Trở lại thăm Cúc Phương - trước đây là một trong những xã nghèo trọng điểm vào những ngày mà tỉnh ta đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Những con đường đất năm xưa giờ được thay thế bằng những con đường rải nhựa phẳng lỳ. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng sau những vườn cây xum xuê trái ngọt. Những ngôi trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp… Vẫn là một địa phương với nhiều nét đặc trưng của đồng bào Mường, song ai cũng cảm nhận được sức sống mới tràn đầy năng lượng khi trở lại vùng sơn cước này. "Đời sống của bà con Cúc Phương giờ được cải thiện nhiều lắm, đột phá nhất là từ giai đoạn 2005 trở lại đây. Kinh tế phát triển thì bà con hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua khác, nhờ đó địa phương đã có sự khởi sắc đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bền vững qua mỗi năm. Từ gần 40% năm 2005 xuống còn 13,1% cuối năm 2016. Có được sự bứt phá lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo phải kể đến vai trò "đòn bẩy" là Nghị quyết số 10, ngày 15/10/2007 về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo của Tỉnh ủy "- ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương mở đầu câu chuyện.
Bám sát Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, việc giảm nghèo ở Cúc Phương được thực hiện rất bài bản, có lộ trình với mục tiêu cụ thể. Xã Cúc Phương đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và hết sức quan tâm chỉ đạo các Hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân.
Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Cùng với đó giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Nhiều gia đình đã tìm ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi các con đặc sản như ong, nhím, hươu…
Ngoài ra, xã Cúc Phương còn khuyến khích bà con phát huy thế mạnh đồi rừng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn hàng chục tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi… Từ sự hỗ trợ này mà rất nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Chăm sóc dứa ở xã Phú Long (Nho Quan). Ảnh: Nguyễn Thơm
Cũng từng là xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, song Thạch Bình ngày nay đã thực sự đổi khác. Nhiều hộ nghèo ở xã Thạch Bình đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang trồng rừng sản xuất của tỉnh. Ông Quách Công Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo mục tiêu, trong tổng số 924ha rừng, sẽ chuyển 888ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Đến nay, xã đã hoàn thành việc chuyển đổi rừng cho các hộ gia đình với diện tích từ 1 ha đến vài chục ha.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi rừng đã thấy rõ. Trước đây, những hộ được giao rừng này đều thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Vì đói, nghèo mà người dân phải chặt, phá rừng để bán lấy tiền mua gạo. Tuy nhiên, với chủ trương này người dân đã thực sự được trao quyền tự chủ trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các sản phẩm từ rừng. Ngoài ra, các hộ trồng rừng còn năng động kết hợp trồng rừng với chăn thả gia súc như trâu, bò và ong mật. Đến nay, trên 90% số hộ này đã thoát nghèo, trong đó, hơn 20% số hộ có rừng đã trở thành hộ khá, giàu của xã. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Hoàn, anh Trần Văn Phú (thôn Bãi Lóng). Tỷ lệ hộ nghèo của xã Thạch Bình giảm từ 44% năm 2005 xuống còn 14,5% năm 2016…
Không có rừng như Thạch Bình, Cúc Phương… một số xã vùng chiêm trũng của huyện Nho Quan như: Gia Tường, Gia Thủy, Quỳnh Lưu... đã tìm được hướng thoát nghèo theo cách khác. Đối với các xã vùng chiêm trũng năm nào cũng bị ngập úng, thu nhập từ nông nghiệp không cao, huyện Nho Quan đã tiến hành khảo sát và quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất theo công thức lúa+cá hoặc lúa+một vụ lúa tái sinh; đồng thời, đưa giống lúa cao sản vào sản xuất. Sau một thời gian thử nghiệm, lúa cao sản đã thực sự là hướng thoát nghèo của bà con vùng chiêm trũng. Các giống lúa Phú ưu 978, Phú ưu 1, Thục hương 6, Bắc thơm 7... cho năng suất trung bình khoảng 60 tạ/ha, nhiều nơi năng suất còn đạt 75-80 tạ/ha/vụ. Việc đưa lúa cao sản vào sản xuất không những giúp địa phương đảm bảo được vấn đề lương thực mà còn trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống, đầu tư cho con cái ăn học.
Để lan tỏa phong trào xóa đói, giảm nghèo một cách có hiệu quả, Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện đã chỉ đạo các Hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào thực trạng về thổ nhưỡng của địa phương, các mô hình kinh tế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo được tập trung vào các lĩnh vực như: Trang trại, gia trại chăn nuôi các cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao (hươu, ong, lợn sạch, gà thả vườn…), mô hình lúa - cá kết hợp, chăn nuôi gia cầm (tập trung ở các xã vùng chiêm trũng như Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa…).
Các mô hình giảm nghèo đã giúp cho nhiều hộ gia đình nghèo có thu nhập khá, vươn lên làm giàu, thu nhập ổn định. Một số mô hình điển hình như: Trang trại nuôi hươu của gia đình bà Đinh Thị Canh, xã Kỳ Phú; trồng nấm của gia đình anh Quách Mạnh Thắng, xã Gia Tường; trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình bà Phạm Thị Thoa, xã Phú Lộc; mô hình lúa-cá của gia đình ông Chu Văn Lân, xã Văn Phương…
Nhằm tạo điều kiện cho các gia đình mở rộng quy mô sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho những hộ nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu được vay vốn theo chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo đúng quy định. Trong 5 năm (2011-2016), tổng số hộ được vay vốn theo các Chương trình tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là gần 21 nghìn hộ, với tổng số tiền vay gần 330 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, không những thoát nghèo mà người dân còn vươn lên làm giàu chính đáng. Ngoài ra, huyện cũng triển khai tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo khác như các chương trình về y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ pháp lý...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là nỗ lực vươn lên của chính hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện Nho Quan giảm đi rõ rệt, số hộ khá, giàu không ngừng tăng. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 14,56% thì đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,91% theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều.
Nguyễn Hùng