Về xã Gia Tường, một địa phương những năm trước thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, con đường dọc đê Gia Tường, Đức Long, Lạc Vân nay đã được nâng cấp, đổ bê tông kiên cố. Cùng với cán bộ Trạm Y tế xã đến các hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cách thức bảo vệ, xử lý nguồn nước, nguồn phân thải ra từ chuồng trại chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường… mới thấy hết được sự cần thiết của công tác phòng, chống dịch bệnh từ những việc nhỏ nhất.
Theo đồng chí Đinh Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã: Gia Tường có 1.548 hộ thì có gần 200 hộ sinh sống ở khu vực ngoài đê thuộc các thôn: Kiến Phong, Ngọc Thự, Đầm Bá. Nếu vào những năm trước, khi đập tràn Gia Tường chưa hoàn thiện, người dân khu vực này thường hay phát sinh những bệnh đặc trưng mùa mưa bão như: tiêu chảy, nước ăn chân… thì đến nay hầu như ít xảy ra. Tuy vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được Trạm coi trọng và chuẩn bị những phương án cụ thể nhất, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Thuận lợi của Trạm là ngoài những trang thiết bị được trang bị theo quy định, Trạm còn được sử dụng chung máy siêu âm với 2 xã nên khi có nhu cầu siêu âm, người dân không phải lên tuyến trên. Do đó, nhiều năm nay Trạm Y tế xã luôn làm tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. 6 tháng đầu năm 2013, Trạm đã khám cho 3.014 lượt người, trong đó có 2.713 lượt khám BHYT, khám dự phòng là 1.500 lượt.
Cùng với hoạt động khám tại Trạm, với những trường hợp là người bệnh cấp cứu, người cao tuổi, trẻ nhỏ…, Trạm Y tế còn cử cán bộ xuống tận gia đình khám bệnh, không để người bệnh phải đi lại, nhất là khi mưa bão, lũ lụt. Bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh, công tác vệ sinh môi trường được Trạm đẩy mạnh. Trạm Y tế xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường đến người dân. Vận động các gia đình đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, hố xí hợp vệ sinh. Đến nay, số hộ trong toàn xã có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt tỷ lệ 62,4%. Cùng cán bộ y tế của Trạm đi tư vấn, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh và bảo vệ nguồn nước, chúng tôi đã đến thăm gia đình bác Trần Đình Hữu (thôn Công Luận).
Bác Hữu vui vẻ cho biết: Gia đình tôi sinh sống lâu năm tại vùng hay ảnh hưởng bởi lũ lụt, thường xuyên được cán bộ Trạm Y tế xã phổ biến kiến thức nên hiện nay gia đình chúng tôi đã nắm bắt được đầy đủ các kiến thức cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, nhất là mùa mưa bão đến. Gia đình tôi quan tâm sát sao đến việc vệ sinh chuồng trại, không để phân gia súc, gia cầm vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Với nguồn nước sinh hoạt của gia đình, chúng tôi dùng ni-lon bịt kín miệng giếng khi mưa bão, sử dụng Cloramin B để khử khuẩn nguồn nước khi bị ô nhiễm…
Do đó, những năm qua dù gặp mưa bão, lũ lụt thường xuyên nhưng cuộc sống sinh hoạt của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều và chúng tôi hiểu làm được những việc này là góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng…
Theo đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan: Sự chuẩn bị chu đáo và tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mùa mưa bão được cả hệ thống y tế cơ sở của huyện Nho Quan thực hiện tốt. Các cơ sở y tế từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân thông qua việc được quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu và khám, chữa bệnh. Đến nay, các trạm y tế đều được trang bị máy phát điện, máy hút đờm dãi, bộ cấp cứu sơ sinh, giường i-nốc, tủ đầu giường, máy sinh hóa nước tiểu...
Một số trạm y tế xã được sử dụng chung máy siêu âm từ dự án về y tế… Đến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, do đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở. Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường.
Ngay trước mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão để đội ngũ cán bộ y tế của huyện, các trạm y tế nắm bắt cụ thể những công việc cần thực hiện, ưu tiên thực hiện khi cấp cứu bệnh nhân, thực hiện khám, chữa bệnh, những tình huống phát sinh trong mưa bão… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm việc phúc tra lại các ổ dịch cũ như: tiêu chảy cấp, thương hàn… Tổ chức lấy mẫu nước, mẫu phân xét nghiệm, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không để dịch lan rộng…
Năm nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn được quan tâm sát sao hơn khi 5 xã của huyện xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm. Khi có tin gia cầm chết, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp cùng cơ quan thú y thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, không để lây nhiễm sang người. Tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình tiêu hủy gia cầm chết, thực hiện khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, quan tâm theo dõi sức khỏe người trực tiếp chăn nuôi, người có liên quan đến gia cầm chết…, do cúm từ gia cầm kịp thời được dập tắt.
Thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão năm nay, Trung tâm đã chuẩn bị 22 cơ số thuốc và phân phát về các Trạm y tế xã 19 cơ số thuốc, trang bị cho tất cả cán bộ y tế cơ sở áo phao, tiến hành tẩm màn tại các xã trọng điểm trong vùng sốt rét trên địa bàn…
Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường, cùng với việc duy trì dọn vệ sinh môi trường tại các thôn, xóm, phố, Trung tâm Y tế huyện còn tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Đến nay, toàn huyện đã có 27.668 công trình hố xí hợp vệ sinh, 31.287 công trình giếng và bể nước được xây dựng mới và sửa chữa, các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khác như: bếp ít khói, nhà tắm, hố thấm nước thải… được quan tâm xây dựng ngày càng nhiều. Với sự chuẩn bị chu đáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhiều năm qua Nho Quan không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn.
Bài, ảnh: Phan Hiếu