Cùng lãnh đạo NHCSXH huyện Nho Quan đến thăm mô hình sản xuất đồ gỗ gia dụng của gia đình chị Đinh Thị Lực, thôn Quỳnh Phong, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan. Đó là một xưởng sản xuất khang trang, rộng rãi với đủ các thiết bị máy móc hiện đại được đặt ngay cạnh nhà, 3-4 công nhân đang mải mê với các công đoạn sản xuất.
Chị Lực chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình đã vay vốn từ nhiều tổ chức tín dụng. Tuy nhiên do lãi cao, tình hình kinh tế lại đang gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả sử dụng vốn vay hạn chế. Năm 2012, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi từ NHCSXH huyện Nho Quan, gia đình chị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng như mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị.
Chính vì thế, việc làm ăn ngày càng hiệu quả, thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng. Hiện xưởng sản xuất của gia đình chị thường xuyên giải quyết việc làm cho 3-4 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Rời cơ sở sản xuất của chị Lực, chúng tôi đếm thăm gia đình anh Trần Đình Lai, thôn 4, xã Phú Long. Hai vợ chồng trẻ, sức khỏe có dư, nhưng kinh tế gia đình anh Lai vẫn gặp không ít khó khăn bởi ngoài trồng và chăm sóc cho 1 ha mía, thời gian rảnh rỗi anh chị không có việc gì làm để kiếm thêm thu nhập. Anh Lai kể lại: "Khi đó, cũng muốn chăn nuôi thêm con bò, con lợn để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp nhưng vốn không có.
May mắn cách đây 3-4 năm, gia đình được Hội Nông dân xã bảo lãnh vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có vốn, mua được cặp bò, rồi cứ thế nhân lên, giờ đây gia đình tôi đã có 6-7 con bò, nhờ chăm sóc tốt nên chúng sinh sản đều đều, mỗi năm được thêm 2 con bê thu nhập 60-70 triệu đồng".
Ông Bùi Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Hiện tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã đạt trên 20 tỷ đồng. Hầu hết số vốn vay được người dân đầu tư phát triển trồng mía, dứa và nuôi bò.
Trao đổi với ông Vũ Văn Quang, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nho Quan được biết: Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân tạo và duy trì ổn định việc làm, qua đó, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, Phòng giao dịch đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn này.
Hàng năm, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các Hội, đoàn thể để nắm bắt nhu cầu vốn của từng địa bàn, trên cơ sở đó ngân hàng rà soát và phân bổ vốn hợp lý; thực hiện ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, những địa phương dành đất cho phát triển công nghiệp, có nhiều lao động dư thừa.
Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn giải quyết việc làm trên địa bàn Nho Quan là gần 8 tỷ đồng, với khoảng 600 lượt khách hàng vay, tỷ lệ nợ quá hạn đạt dưới 0,7%.
Đa số người lao động vay vốn đều sử dụng vào mục đích mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng sản xuất, thu hút nhiều lao động vào làm việc.
Tuy nguồn vốn vay không nhiều nhưng đã là "đòn bẩy", kích thích và hỗ trợ kịp thời cho người lao động đầu tư vào sản xuất, giải quyết việc làm; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân tại địa phương.
Bài, ảnh: Hà Phương