Là người có tiền sử cao huyết áp, thường kỳ tới Trạm y tế xã khám, điều trị bệnh, ông Đinh Văn Thảnh, 65 tuổi, thôn Hiền Quan 1, xã Đức Long giờ đây thấy thuận lợi hơn rất nhiều khi giảm khá nhiều thủ tục hành chính. Ông Thảnh cho biết, trước kia, mỗi lần khi đến khám bệnh là tôi phải trả lời các bác sỹ về tiền sử bệnh của mình. Từ ngày được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, tôi đến khám bệnh không còn mất thời gian cho việc này. Bên cạnh đó, được các bác sĩ khám, tư vấn điều trị và dùng thuốc phù hợp, giúp tôi duy trì ổn định huyết áp, yên tâm điều trị bệnh.
Trạm Y tế xã Đức Long là 1 trong 2 Trạm y tế trên địa bàn huyện Nho Quan được Trung tâm Y tế huyện Nho Quan chọn làm điểm trong triển khai việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân. Bác sỹ Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Long cho biết: Đức Long có 5.637 người/12 thôn. Từ năm 2019, Trạm đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn xã. Khi cập nhật thông tin sức khỏe của người dân, Trạm phân công rõ công việc cho cán bộ, y, bác sĩ của Trạm. Giao cho y tế thôn bản cập nhật thông tin y tế tại hộ gia đình; y, bác sĩ Trạm xuống hộ dân khám và đo chiều cao cân nặng; nhập dữ liệu từ hồ sơ giấy vào hồ sơ trên phần mềm điện tử theo quy định của ngành Y tế. Hiện nay, Trạm đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe trên cổng hồ sơ sức khỏe cho 91% dân số, tiến hành lập hồ sơ cho cả trẻ sơ sinh. Đối với bác sĩ, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, giúp bác sĩ có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị bệnh kịp thời khi các bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả cao hơn, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh. Bình quân hàng tháng, Trạm khám, chữa bệnh cho trên 600 lượt bệnh nhân, do đó, khi thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử đã giảm nhiều thời gian trong quá trình khám, điều trị bệnh.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Từ tháng 9/2019, theo sự chỉ đạo của Sở Y tế, huyện Nho Quan đã triển khai thí điểm về lập hồ sơ sức khỏe cho người dân. Bước đầu huyện Nho Quan tổ chức thí điểm ở xã Đức Long và thị trấn Nho Quan, với tổng số 6.000 hồ sơ. Trên cơ sở làm thí điểm, đến năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai cho 27/27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các bước tiến hành lập hồ sơ sức khỏe đều được thực hiện theo Quyết định 831/QĐ-BYT, ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế. Đến nay, toàn huyện đã lập được 149.699 hồ sơ sức khỏe/163.355 người, đạt 92%. Những xã có tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt cao như: Thanh Lạc 98%, Thượng Hòa 98%, Sơn Hà 97%, Thạch Bình 96%, Yên Quang 95%, Sơn Thành 94%... Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực cho ngành y tế.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn huyện Nho Quan còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: người dân vẫn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc lập và sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử; còn e ngại trong việc cung cấp các thông tin cho cán bộ y tế khi được hỏi. Cán bộ y tế chưa khai thác đủ, sâu và kỹ các thông tin có trong hồ sơ sức khỏe. Số hồ sơ sức khỏe được tạo lập mới chủ yếu dựa trên các lần khám bệnh tại Trạm y tế xã, thị trấn, chỉ có thông tin hành chính cơ bản và lịch sử khám. Chưa có các thông tin về tiền sử, bệnh sử. Phần mềm quản lý y tế cơ sở, module nhập dữ liệu hồ sơ sức khỏe còn chưa có tính ổn định, đôi khi gặp lỗi không thể nhập dữ liệu. Cổng hồ sơ sức khỏe chưa thân thiện với người dùng. Hệ thống báo cáo thống kê chưa đúng số liệu so với phần mềm quản lý y tế cơ sở. Phần mềm chưa liên thông được với hệ thống tiêm chủng Quốc gia…
Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, để chất lượng hồ sơ sức khỏe điện tử được hoàn thiện, thực sự là bộ hồ sơ lưu trữ và là thông tin cho các lần khám, chữa bệnh tiếp theo của người dân, đòi hỏi cần có sự đồng bộ hóa sử dụng ID, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, đồng bộ hóa lưu trữ của tất cả hồ sơ đã lập, không được làm mất đi, không được xóa khi họ đã được cấp mã định danh. Đối với VNPT Ninh Bình - đơn vị cung cấp phần mềm cần có giải pháp khắc phục các lỗi còn gặp phải trong quá trình nhập dữ liệu hồ sơ sức khỏe; hoàn thiện chức năng thống kê báo cáo; không để tình trạng chênh lệch số liệu giữa 2 hệ thống cổng hồ sơ sức khỏe và y tế cơ sở. Đặc biệt, cần thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn tập huấn cho cán bộ y tế khi cần thiết…
Bài, ảnh: Tiến Minh