Từ điểm "nóng" về XKLĐ trái phép
Xã Thạch Bình là điểm nóng của huyện, của tỉnh về tình trạng XKLĐ "chui" sang Trung Quốc từ năm 1996. Thời điểm những năm 2014, 2015 tổng số lao động xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) đi làm việc ở Trung Quốc lên đến trên 300 người, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động.
Đồng chí Vũ Dũng, Trưởng Công an xã Thạch Bình cho biết, qua các đợt tiếp xúc, vận động những người có ý định XKLĐ "chui", thậm chí cả những người đã từng trở về sau một thời gian làm việc tại Trung Quốc cho thấy, 100% số lao động này nhập cảnh vào Trung Quốc bằng hình thức trái phép và 99% trong số họ sang Trung Quốc bởi nhu cầu việc làm. Khi nắm được thông tin trên địa bàn xã có tình trạng đi lao động bất hợp pháp, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, chúng tôi đã đến từng nhà đối tượng để vận động, phân tích cho họ và gia đình hiểu tác hại của xuất cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền để họ nắm được chính sách về xuất khẩu lao động hợp pháp. Từ đó, tư vấn, định hướng cho họ lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Song, hầu hết lao động đều băn khoăn vì mức phí phải đóng khi tham gia XKLĐ hợp pháp hiện nay vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.
Anh Bùi Văn Thoại, thôn Tiền Phong là người từng có thời gian đi làm việc ở Trung Quốc. Anh Thoại cho biết, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên năm 2014, anh vay mượn hơn 6 triệu đồng để tìm đường sang Trung Quốc tìm việc làm. "Biết là liều, vì thực tế ở xã Thạch Bình, chưa có nhiều người khấm khá lên nhờ đi lao động ở Trung Quốc, thậm chí nhiều người bị trục xuất về nước chỉ sau vài ngày làm việc bên xứ người, song tôi vẫn quyết thử vận may, bởi chỉ có đi XKLĐ thì mới có cơ hội cải thiện cuộc sống cho gia đình được"- anh Thoại kể. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc ở Trung Quốc, anh Thoại đành khăn gói về nước bởi lẽ công việc thì vất vả song đồng lương lại thấp và không ổn định. Còn trẻ, lại có sức khỏe nên anh Thoại rất mong được đi XKLĐ theo đường chính ngạch.
Nỗi băn khoăn của anh Thoại cũng như nhiều lao động trên địa bàn xã Thạch Bình và các địa phương khác trên địa bàn huyện Nho Quan đã được giải quyết khi "nút thắt" về nguồn vốn đã được tháo gỡ bằng những chính sách, quy định cụ thể trong Đề án số 12 của UBND tỉnh về XKLĐ. Theo đó, khi triển khai thực hiện Đề án 12 thì những lao động thuộc diện được vay ưu đãi được tạo điều kiện để vay thêm từ nguồn vốn của Đề án để đi xuất khẩu trong trường hợp không đủ tài sản đảm bảo để vay mức vay trên 50 triệu đồng. Như vậy, tùy nhu cầu của lao động, song mức vay tối đa lên tới 100 triệu đồng, với mức vay này người lao động hoàn toàn có thể tham gia vào các thị trường thu nhập cao. Mặt khác, cũng theo Đề án, đối tượng được vay ưu đãi cũng được mở rộng hơn. Theo đó, ngoài những lao động thuộc diện chính sách thì những lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh cũng sẽ được vay vốn… Ngay khi Đề án số 12 được triển khai, các cán bộ xã Thạch Bình đã tích cực đến từng hộ dân để khảo sát nhu cầu và lồng ghép tuyên truyền những chính sách mới về XKLĐ của tỉnh. Căn cứ vào tiềm năng lao động, xã Thạch Bình được UBND dân huyện Nho Quan giao chỉ tiêu đưa 18 lao động đi xuất khẩu, đây là địa phương được giao chỉ tiêu cao nhất của huyện.
Tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên
Ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, dân số huyện Nho Quan hiện là 163.897 người, số lao động trong độ tuổi 98.391 người, trong đó: có khả năng lao động 95.545, mất khả năng lao động 2.846 người. Tổng số hộ trong toàn huyện 44.305, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,88%, hộ cận nghèo chiếm 6,31%, hộ có mức sống trung bình chiếm 17,15%. Được UBND tỉnh giao chỉ tiêu đưa 220 lao động đi xuất khẩu, trong đó có 60 đối tượng thuộc Đề án thì chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn, là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững nhất, vì vậy đã huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tập trung làm quyết liệt.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lập danh sách những người trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng thụ hưởng theo Đề án số 12 có khả năng tham gia XKLĐ nhưng chưa có việc làm, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, mức thu nhập thấp để tư vấn, vận động người lao động tham gia XKLĐ… Dựa vào tiềm năng lao động của mỗi địa phương, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn là 286 lao động, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả, huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ cấp huyện và cấp xã. Ban chỉ đạo XKLĐ các cấp thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XKLĐ, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất phương án giải quyết với cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, huyện cũng lựa chọn những doanh nghiệp có chức năng XKLĐ có năng lực, uy tín, có thị trường XKLĐ ổn định, có đơn hàng phù hợp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định, có nhu cầu tham gia Đề án để cho phép tuyển lao động trên địa bàn huyện đi XKLĐ. Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các văn bản hướng dẫn và các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong Đề án số 12 và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, để có được đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động khó tính, huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, giáo dục ý thức kỷ luật lao động nhằm tạo nguồn XKLĐ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ngoài nước. Đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ để tham gia xuất khẩu lao động, thường xuyên tổng hợp nhu cầu XKLĐ của địa phương, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ gặp gỡ người dân để tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huyện cũng tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng XKLĐ liên kết với các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề sát với thực tế công việc mà phía đối tác nước ngoài yêu cầu. Việc đào tạo cần được áp dụng cả trước khi tuyển và sau khi trúng tuyển để người lao động có thể nhanh chóng tiếp cận với công việc mới khi sang nước ngoài... Đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn tích cực triển khai thực hiện Đề án về XKLĐ của tỉnh, theo thống kê sơ bộ, huyện Nho Quan đã có trên 30 lao động đăng ký đi XKLĐ.
Đào Hằng