Ông Bùi Xuân Thắng, xã Văn Phong hiện là bệnh binh mất gần 61% sức khỏe. Với thương tật trong mình, xuất ngũ trở về địa phương, ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Buồn hơn là một trong 4 người con của ông còn bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đioxin. Bản thân mang thương tật, thêm con mắc bệnh, gia đình ông Thắng lâm vào cảnh khó khăn, nhiều năm gia đình phải sống trong ngôi nhà cấp 4 bị xuống cấp nghiêm trọng. Qua rà soát đối tượng, xã Văn Phong đề xuất hỗ trợ số tiền theo quy định xây nhà mới cho ông Thắng và được phê duyệt. Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Với sự giúp đỡ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân thôn xóm về ngày công lao động, sự trợ giúp của anh em, họ hàng, đến nay gia đình ông Thắng được sống trong ngôi nhà mái bằng rộng 100m2, với tổng trị giá trên 350 triệu đồng.
Đối với Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Chủ, ở xã Lạc Vân thì nhiều năm nay, mẹ luôn được động viên, an ủi khi có thêm nhiều người con ở Bộ đội Biên phòng tỉnh. Mẹ Chủ được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Vào những ngày cuối tháng và dịp lễ, Tết, ngày 27/7... nhiều người con của mẹ ở Bộ đội Biên phòng tỉnh lại đến thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần và vật chất cho mẹ Chủ. "Mỗi khi thông báo có các anh ở Bộ đội Biên phòng tỉnh đến thăm, mẹ tôi vui lắm, như khỏe và minh mẫn hẳn lên. Bởi đối với những người cao tuổi, mắt đã mờ, tay chân yếu, nhìn những người lính áo xanh cho bà cảm giác như những người con của mình đi công tác xa trở về thăm mẹ. Tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, chính quyền, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần, thiết thực động viên, xoa dịu nỗi đau cho mẹ, giúp mẹ có những ngày tháng cuối đời sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu..." - Bà Đinh Thị Miên, con gái Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Chủ chia sẻ.
Đồng chí Lê Thị ái Quyên, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan hiện có trên 3.200 đối tượng chính sách, gia đình người có công; trong đó có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; trên 1.500 thương, bệnh binh; gần 500 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ; hàng nghìn người hưởng chế độ tuất liệt sĩ, lão thành cách mạng… Những năm qua, nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công và đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương trong huyện rà soát đúng đối tượng, thực hiện chi trả đảm bảo đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách cho từng đối tượng; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc da cam…. Mỗi tháng, huyện chi trả trên 7 tỷ đồng tiền trợ cấp cho các đối tượng, đảm bảo nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng LĐ-TBXH huyện đã lập hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng phí đối với 117 lượt người; làm thủ tục thăm viếng liệt sỹ cho 18 lượt người; cấp thẻ BHYT cho người có công, thân nhân người có công và người hoạt động kháng chiến năm 2019, cho 9.591 người; tiếp nhận hồ sơ, đề nghị hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 15 hồ sơ; lập danh sách điều dưỡng cho 1.566 đối tượng (trong đó, điều dưỡng tập trung cho 282 người, điều dưỡng tại nhà cho 1.284 người); cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sỹ.
Hàng năm, huyện Nho Quan đã tổ chức phát động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" huyện; phối hợp với Quỹ của tỉnh và các nhà hảo tâm tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho những gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn về nhà ở. Trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện Nho Quan đã có hàng chục hộ gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ xây mới với số tiền 40 triệu đồng, sửa chữa 20 triệu đồng, từ đó đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà xuống cấp, nhà ở tạm bợ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, giúp họ có nhà ở kiên cố, ổn định, vượt lên khó khăn trong cuộc sống... Đồng thời, nhân dịp lễ, Tết, các cấp ủy, chính quyền đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công tiêu biểu trên địa bàn, gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ tại biên giới, hải đảo... Cùng với đó, các địa phương cũng dành nguồn ngân sách nhất định để hàng năm tu sửa, chỉnh trang các Nghĩa trang liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ, Đài tưởng niệm..., góp phần chăm sóc, động viên, chia sẻ và tri ân các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Hạnh Chi