Ông Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết: Bệnh lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện và gây bệnh trên cây lúa ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó có huyện Nho Quan. Tổng diện tích nhiễm bệnh trên địa bàn huyện Nho Quan trong vụ mùa năm 2017 là 275ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 155ha, diện tích giảm trên 70% năng suất là 89ha, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Hà, Quảng Lạc, Sơn Lai...
Mặc dù cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo đến các địa phương và bà con nông dân để phòng trừ bệnh cho lúa mùa năm 2018 nhưng nguồn bệnh trên đồng ruộng sẵn có là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời.
Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện phân công tối đa nhân lực, cán bộ kỹ thuật phụ trách các địa phương để bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến phát sinh gây hại của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên từng trà lúa.
Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân phòng, trừ kịp thời trên những diện tích có mật độ rầy lưng trắng cao bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc "4 đúng" . Đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng lấy mẫu rầy lưng trắng trên đồng ruộng để kiểm tra tỷ lệ nhiễm virus lùn sọc đen, từ đó có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Thông tin từ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, đến ngày 6/8, có 2 xã đã phát hiện có bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại trên lúa mùa với tổng diện tích 27ha, trong đó Văn Phương 20 ha, Văn Phong 7 ha. Kết quả giám định của các cơ quan chức năng cho thấy tỷ lệ rầy mang virus ở mức cao, nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh lùn sọc đen phương Nam ở vụ mùa là rất lớn nếu không phòng, chống kịp thời.
Bà Vũ Thị Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Dấu hiệu nhận biết cây lúa bị bệnh lùn sọc đen, có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, mặt sau gân lá bị sưng lên. ở giai đoạn làm đòng và lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định, trên bẹ và lóng thân nhiều u sáp và sọc đen. Nếu bị nặng, cây lúa sẽ không trổ bông hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen.
Ngay sau khi phát hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa, Trạm đã phối hợp tổ chức khoanh vùng dịch tại 2 xã Văn Phương và Văn Phong. Đối với các xã khác đã tiến hành cho nông dân phun phòng bệnh. Hiện nay, cán bộ của Trạm vẫn tiếp tục kiểm tra đồng ruộng để lấy mẫu xét nghiệm.
Bên cạnh đó, Trạm đã phối hợp với cán bộ chuyên môn của các xã, HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân cách nhận biết và áp dụng biện pháp phòng trừ hợp lý. Đối với lúa cấy, nếu phát hiện thì nhổ vùi cây bị bệnh kịp thời để hạn chế nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng, cấy dặm bằng cây lúa khỏe, chăm bón cân đối để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp. Đối với lúa gieo thẳng, tiến hành phun thuốc trừ rầy lưng trắng trên toàn bộ diện tích ở giai đoạn 4-5 lá trở đi bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Để ngăn chặn kịp thời bệnh lùn sọc đen phương Nam có nguy cơ bùng phát thành dịch, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh lùn sọc đen, chủ động áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam và rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh để bảo vệ sản xuất. Đến nay, huyện cũng đã cấp 100 triệu đồng để mua thuốc phun phòng trừ bệnh.
Đồng thời tổ chức nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và bà con nông dân, tổ chức cộng đồng phòng chống bệnh lùn sọc đen nhằm khống chế không để bệnh bùng phát thành dịch gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa. Xây dựng các mô hình phòng trừ bệnh có hiệu quả, kịp thời tổng kết và phổ biến kết quả mô hình để áp dụng trên diện rộng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm