Mùa mưa bão đang đến gần, huyện Nho Quan đã và đang tích cực, chủ động đề ra các phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Rút kinh nghiệm từ thực tế của huyện những năm qua, công tác PCLB được huyện Nho Quan tổ chức triển khai sớm ngay từ trung tuần tháng 3 và có kế hoạch chi tiết, cụ thể sát thực, phù hợp với từng xã, thị trấn. UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban. Xây dựng lịch trực PCLB&TKCN Ban chỉ huy và các phân ban, thông báo lịch trực đến các ngành, các cấp và UBND các xã, thị trấn; tổ chức trực nghiêm chỉnh theo chế độ PCLB&TKCN đã quy định (thời gian từ ngày 15-4 đến 15-11-2014). Lập sổ trực, sổ theo dõi diễn biến thời tiết, mưa, bão, lũ, lụt; nhận truyền lệnh, báo cáo của các phân ban, xã, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau về công tác PCLB ở mỗi gia đình và khu dân cư; chủ động phương tiện, vật chất sẵn sàng đối phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Ban chỉ huy PCLB từ huyện đến cơ sở đã rà soát lại trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết như xăng dầu dự phòng, lương khô, mì tôm, thuốc chữa bệnh, thuyền, xuồng, phao cứu sinh, nhà bạt, bạt phủ chắn sóng, bao tải đựng đất, rọ sắt, cọc tre, đá hộc…
Để thực hiện tốt công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai, huyện Nho Quan đã giao cho các ngành: Bưu điện huyện, Đài truyền thanh huyện, Trạm khí tượng thủy văn thường xuyên cung cấp thông tin diễn biến mưa, bão để nhân dân biết, kịp thời chủ động phòng tránh. Ngành Ytế, lương thực, thú y chuẩn bị hàng hóa dự trữ, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch bệnh cho người và gia súc. Ngành Công an và quân sự huyện phối hợp với các ngành xây dựng phương án tập trung lực lượng khi có bão lũ xảy ra và tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo công an xã chuẩn bị lực lượng, tích cực tuần tra, canh gác bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ban chỉ huy PCLB từ huyện đến cơ sở phải bố trí trực 24/24 giờ trong ngày khi có mưa lũ, bão xảy ra để kịp thời xử lý các tình huống. Về phương tiện vận chuyển vật tư, sơ tán dân, lãnh đạo chỉ huy tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, huyện giao cho các ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị 11 xe ô tô con của các cơ quan trên địa bàn huyện, 20 xe tải trọng tải từ 5 tấn trở lên, 8 xuồng máy, 2 thuyền máy, 3 máy phát điện; các loại thuyền bê tông trọng tải từ 500 kg đến 1,5 tấn của đơn vị;71 chiếc sẵn sàng làm nhiệm vụ khi thiên tai xảy ra. Ban chỉ huy PCLB huyện cũng đã chuẩn bị 340 áo phao, 500 phao cứu sinh, 7 phao bè, 24 bộ nhà bạt, 56.000 bao tải, 2.500 m2 bạt phủ chắn sóng, 22.600 cọc tre, 200 rọ sắt, 70 cuốc, 60 xẻng, 20 mai; tại vị trí các cống và điểm xung yếu đã dự trữ 3.500 m3 đất, 150 m3 cát, 1.633m 3 đá hộc... để chủ động ứng phó nếu bão lũ xảy ra trên địa bàn.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2014 thời tiết khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra các yêu cầu, thách thức mới cho công tác PCLB & TKCN huyện cũng như công tác khắc phục hậu quả lụt bão. Vì thế, ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Nho Quan đã có những phương án chi tiết, cụ thể nhằmchủ động ứng phó với mọi tình huống lụt bão xảy ra, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Phương án tìm kiếm cứu nạn được thực hiện ở các địa bàn ven sông Bôi, sông Hoàng Long khi có lũ lụt; vùng chịu ảnh hưởng của xả tràn Lạc Khoái, Đức Long-Gia Tường; khu vực có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống. Lực lượng tham gia gồm: bộ đội, công an, hội chữ thập đỏ, trung tâm y tế, đội xung kích của các xã, thị trấn; huy động tối đa các loại phương tiện thủy bộ ứng cứu khi cần...
Phương án di dân và ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ được thực hiện ở các vùng phân lũ, chậm lũ, vùng có nguy cơ sạt lở cao, các xã có mỏ khai thác vật liệu, vùng ven sông chân đập hồ. Phương án bảo vệ các tuyến đê và vị trí trọng điểm, gồm: đê Đức Long-Gia Tường-Lạc Vân, đê Năm Căn, đê Hữu Ngạn, đê bao, Hồ Yên Quang I, đập tràn và hồ Thường Xung. Về phương án xả lũ đê Đức Long- Gia Tường-Lạc Vân khi có tình huống khẩn cấp, Ban chỉ huy PCLB huyện căn cứ vào tình hình lũ trên sông Hoàng Long để xin ý kiến Ban chỉ huy PCLB tỉnh thực hiện xả lũ theo quy trình quy định. Về phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước, trên địa bàn huyện có 32 hồ chứa nước lớn nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các điểm xung yếu cần chú ý là đập và hồ Yên Quang I, đập và hồ Thường Xung, hồ Đá Lải, hồ Đồng Liêm, hồ Đập Trời...
Trường Sinh - Trường Giang