Là một trong những người trực tiếp được tham gia chuẩn bị cho việc phát hành số báo đầu và tiếp tục làm báo trong những năm sau đó, chúng tôi hết sức hân hạnh, phấn khởi và xúc động nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời kỳ đầu làm Báo Ninh Bình ngày ấy!
Cuối năm 1961, tôi được tỉnh điều về công tác tại Báo Ninh Bình Xây Dựng khi mới 21 tuổi (đến năm 1965 đổi thành Báo Ninh Bình). Cơ quan báo là 7 gian nhà luồng, vách đất, lợp lá gồi, vừa làm việc, vừa ở địa điểm Trụ sở làm việc của Báo Ninh Bình ngày xưa bây giờ là 1 phần nhà hàng Non Nước và 1 phần Bảo tàng của tỉnh).
Báo Ninh Bình, năm 1975. Ảnh: T.L
Cơ quan có tất cả 8 người gồm anh Nguyễn Xuân Lương, từ Phó Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên sang làm Tổng Biên tập. Anh Nguyễn Đình Quỳ từ Phòng Thông tin và anh Nguyễn Xuân Tế từ thương nghiệp sang làm biên tập. Các anh Hoàng Ngọc Chương, Phạm Thanh Bình, Mai Tuyến từ phòng thông tin, anh Trần Dũng Tiến và tôi từ giáo dục điều về. Một thời gian sau, dần dần bổ sung thêm một số đồng chí nữa. Công việc đầu tiên tôi được giao là "trợ giúp" Tổng Biên tập chuẩn bị "măngset" để trình lãnh đạo tỉnh. Việc này lẽ ra phải là các họa sĩ làm. Nhưng lúc ấy cả tòa soạn, kể cả Tổng Biên tập chưa có ai được đào tạo về làm báo nên cứ loay hoay "tham khảo" từ các báo của Trung ương rồi "phác thảo".Sau khi được lãnh đạo tỉnh duyệt là tập trung vào chuẩn bị bài, tin và số báo đầu đã được phát hành đúng vào ngày 3-2 kỷ niệm 32 năm thành lập Đảng.
Thời gian đầu mỗi tuần ra 2 số, in tại Nhà máy in Thành Công, bằng sắp chữ chì, máy đạp chân. Đời sống khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Tôi được lương mỗi tháng 36 đồng, ăn cơm ở bếp liên cơ mỗi bữa 2 hào rưỡi, sáng ăn 1 dúm xôi hoặc 1 chiếc bánh mỳ 5 xu làm bằng bột sắn. Để có giấy viết bài phải tận dụng những mảnh giấy đầu thừa đuôi thẹo do nhà máy in xén giấy in báo bỏ ra để viết.
Phóng viên Báo Ninh Bình tác nghiệp tại cuộc Hội ngộ các ông đồ Việt Nam
Để có bài, tin phải về cơ sở. Cả tỉnh lúc ấy chỉ có mấy tuyến quốc lộ và tỉnh lộ là đường đá còn đều là đường đất, ổ gà, ổ trâu, gồ ghề, lầy lội. Chỉ có 5 người có xe đạp, còn lúc đầu chúng tôi phải "cuốc bộ", sau mới được "ưu tiên nhà báo" mỗi người được mua 1 chiếc xe Thống nhất 240 đồng.
Khó khăn, thiếu thốn, gian khổ là vậy nhưng ai nấy đều gắn bó, cộng tác, giúp đỡ nhau cùng làm việc rất hăng say, tự giác, vừa học, vừa làm, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, chủ nhật. Có khi sáng từ thị xã đạp xe lên Nho Quan, chiều lại từ Nho Quan đạp về Phát Diệm. Nhiều hôm nhịn đói cả ngày, không phải chỉ vì lỡ bữa mà có khi còn vì "với sự nhạy cảm của nhà báo" qua các động thái của gia đình cán bộ nơi về công tác có dấu hiệu "hết gạo" đành "bấm bụng" nói dối là đã ăn rồi. Lúc ấy không có sẵn các cửa hàng ăn, khách sạn như bây giờ, mà nếu có cũng chẳng có tiền để mà ăn. Đường xấu, săm lốp chất lượng kém, đi nhiều mau hỏng. Mỗi khi đi công tác phải mang theo cái kẹp bằng sắt mỏng hoặc bằng tre để rút dép cao su khi tuột quai; hộp nhựa, miếng săm cũ và bộ đồ để vá săm khi bị thủng. Khi lốp xe thủng thì dùng săm cũ cuốn vào thành "lốp cố vấn".
Thế mà với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam và Bạc Liêu ruột thịt" mọi người vẫn rất vui vẻ, hăng hái góp phần cùng tập thể tòa soạn bảo đảm kịp thời, đầy đủ bài, tin cho các số báo, từ 2 trang sau lên 4 trang. Gần như không số báo nào mỗi người chúng tôi không có tin, bài. Có số 2-3 tin, bài ghi các bút danh khác nhau. Bài, tin của cộng tác viên lúc ấy còn ít và nhuận bút được trả cho cộng tác viên bài nào cao nhất cũng chỉ có 5 hào, chưa đủ mua 2 bát phở, mỗi bát 3 hào. Và ít ai nghĩ viết bài để có nhuận bút. Về họp cộng tác viên còn phải nộp tiền ăn.
Do ít người nên phải kiêm nhiệm thêm việc. Cùng với viết bài, tin, có thời gian, tôi còn phải sang nhà in sửa bản in, có thời gian được giao làm makét (thiết kế) các số báo; có dạo còn kiêm cả thủ quỹ.
Khi đế quốc Mỹ bắt đầu gây chiến tranh phá hoại lại được phân công "trực chiến" tại trận địa pháo ở thị xã để kịp thời viết tin, bài phản ánh cuộc chiến đấu của quân dân ta. Thời gian anh Thanh Bình đi tham gia cải tiến quản lý HTX nông nghiệp, tôi còn được giao thay anh Bình làm ảnh (cả chụp ảnh, pha thuốc, tráng phim, phóng ảnh và đi Hà Nội làm bản kẽm để in lên báo) mặc dù cho đến lúc ấy, tôi chưa hề cầm máy ảnh bao giờ chứ chưa nói gì đến biết chụp, chỉ được anh Thanh Bình và anh Hy Lượng (bên Sở Văn hóa) tranh thủ hướng dẫn cho những điều cơ bản về cầm máy, lấy khuôn hình, cự ly, góc độ, độ nét, ánh sáng, cách pha thuốc, tráng phim, phóng ảnh… rồi qua thực tế làm mà rút kinh nghiệm để tác nghiệp. Tòa soạn có 2 máy ảnh đã rất cũ. Phim, giấy thì cơ quan mua theo phân phối. Buồng tối để tráng phim, làm ảnh do anh Thanh Bình tự tạo ở góc phòng ở. Để có ánh sáng xanh, ánh sáng đỏ khi tráng phim, phóng ảnh, anh Thanh Bình có sáng kiến dùng lá chuối tươi, giấy bóng mầu để che bóng điện….
Lúc ấy báo chí của Trung ương chỉ có vài tờ, không nhiều như bây giờ, truyền hình chưa có, rất ít người có máy để nghe đài phát thanh nên có được tờ báo để đọc là quý lắm. Từ quý tờ báo nên các nhà báo cũng được tin yêu, quý mến! Nhưng ăn cơm ở các huyện, ở xã, HTX hay ở nhà cán bộ thì đều nộp đủ 2 hào rưỡi 1 bữa cho dù họ không đòi. Tất cả mọi cán bộ như vậy chứ không riêng gì nhà báo. Thế mà làm việc nhiệt thành, hăng say, tâm huyết và trách nhiệm thế! Không hề kêu ca, thắc mắc! Mà kêu ca, thắc mắc với ai? Vì ai cũng vậy cả! Kể cả Bí thư, Chủ tịch tỉnh! Nhờ cố gắng chung, chất lượng báo ngày càng được nâng lên cả về nội dung và hình thức, được đánh giá là "tờ báo tỉnh đĩnh đạc" lúc bấy giờ!
Một số ấn phẩm Báo Ninh Bình.
Được hơn 3 năm, tháng 5-1965 tôi được điều sang Văn phòng Tỉnh ủy làm thư ký cho đồng chí Bí thư Nguyễn Thanh và liên tục công tác ở các cơ quan của Đảng cho đến lúc về hưu. Nhờ trên 3 năm làm báo đã trang bị cho tôi những vốn liếng rất bổ ích và cần thiết trong suốt những năm công tác về sau. Và cũng do môi trường công tác của những năm về sau mà tôi có điều kiện là người đã gắn bó, cộng tác với Báo Ninh Bình liên tục từ đó đến nay. Suốt nửa thế kỷ qua, tôi không nhớ là đã viết tất cả bao nhiêu bài được đăng trên báo Ninh Bình, từ một phóng viên thành một cộng tác viên lâu năm, gần gũi!
" Ôn cố tri tân!". Nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ Báo Ninh Bình, tờ báo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, viết bài này không phải để nói về cá nhân mà chính là để nhớ lại kỷ niệm một thời, những năm tháng mới khai sinh tờ báo của những người làm Báo Ninh Bình ngày ấy.
Mỗi thời kỳ đều có khó khăn, thuận lợi. Chúng tôi rất tự hào và phấn khởi thấy rằng: Trải qua 50 năm, qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, qua thời kỳ hợp tỉnh, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và tỉnh nhà tái lập, đến nay Báo Ninh Bình đã có nhiều đổi mới. Đội ngũ biên tập, phóng viên lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh các nhà báo lâu năm có nhiều kinh nghiệm là những nhà báo trẻ, sung sức và đều đã được đào tạo, có trình độ đại học, luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của những người làm báo Đảng.
Trụ sở khang trang, đàng hoàng, to đẹp hơn nhiều. Phương tiện, điều kiện làm việc cũng thuận lợi hơn, hiện đại hơn nhiều, từ phương tiện đi lại (xe máy, ô tô) đến phương tiện thông tin hiện đại, vi tính, internet, điện thoại di động (những thứ mà thời ấy chúng tôi chưa nghĩ tới!). Khổ báo rộng hơn, phát hành nhiều kỳ hơn, có thêm báo cuối tuần và báo điện tử, cả về nội dung và hình thức đều có nhiều đổi mới, chất lượng hơn, luôn bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, tình hình các mặt hoạt động trong tỉnh, đảm bảo đúng định hướng tư tưởng của Đảng, thật sự là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà! Những sự kiện quan trọng của tỉnh nhà trong suốt 50 năm qua đã được cập nhật trên Báo Ninh Bình.
Trong 50 năm qua, Báo Ninh Bình thật sự đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà. Việc Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp 50 năm Báo Ninh Bình là một vinh dự lớn của những người làm Báo Ninh Bình!
Đoàn kết, đổi mới và phát triển là truyền thống tốt đẹp của Báo Ninh Bình đang được ngày càng phát huy!
Là những người được công tác từ số báo đầu, trong niềm vui chung, xin nhiệt liệt chúc mừng Báo Ninh Bình tròn nửa thế kỷ: Đã đổi mới, tiếp tục đổi mới hơn nữa! Đã chất lượng sẽ chất lượng và có nhiều bạn đọc hơn nữa!
Nguyễn Thanh Túc