Đối với Ninh Bình, lúc sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm và trong khoảng thời gian 15 năm từ tháng 1-1946 đến tháng 7-1960, Đảng bộ, nhân dân Ninh Bình đã vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm. Trong lần đầu tiên về thăm Ninh Bình, thăm đồng bào Phát Diệm, Kim Sơn (tháng 1-1946) ngay sau khi cách mạng thành công, Bác Hồ đã kêu gọi lương giáo đoàn kết, vì "nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do", lương giáo đoàn kết để làm cho nước nhà được độc lập.
Trong lần về thăm và kiểm tra công tác chống hạn ở Ninh Bình (ngày 15-3-1959) và dự hội nghị sản xuất đông xuân (ngày 18-10-1959), Bác nhắc phải đoàn kết để đẩy mạnh sản xuất, xây dựng HTX. Người nhấn mạnh "phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo…, đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng CNXH và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà".
Và, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X khai mạc (tháng 5-1969), lúc ấy sức khỏe Bác đã giảm sút nhiều, Bác không về dự được, nhưng vẫn dành tình cảm cho Đảng bộ, nhân dân Ninh Bình, gửi tặng Đại hội bức chân dung của Người với dòng chữ "Khuyên cán bộ một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Tháng 9-1969, Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn, nhấn mạnh và lặp lại 5 lần từ "đoàn kết" khi nói về Đảng như một điều kiện không thể thiếu, một điều kiện tất yếu khi Đảng muốn xây dựng, phát triển trong sạch, vững mạnh. Khẳng định "Đảng ta là một Đảng cầm quyền", Bác nhấn mạnh việc "một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc" của Đảng mà đại diện cho Đảng là từng đảng viên, tổ chức Đảng và quan trọng hơn hết chính là người đứng đầu. Mong muốn cuối cùng của Bác là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Cả cuộc đời Bác là tấm gương sáng, vô cùng cao đẹp về "đoàn kết và dân chủ", về sự hy sinh phấn đấu "một lòng một dạ phục vụ nhân dân". Bác đã đi xa, nhưng những lời dạy của Bác về "Đoàn kết và dân chủ", "Một lòng một dạ phục vụ nhân dân", mãi mãi được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Ninh Bình ghi nhớ.
Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại những lời căn dặn của Bác trong những lần về thăm Ninh Bình, ôn lại những giá trị tư tưởng, chính trị, văn hóa trong Di chúc của Bác, qua đó tiếp tục bồi đắp và nâng cao nhận thức, khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc. Đây cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng trong 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, khơi dậy tinh thần tích cực học tập Di chúc và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Minh Châu