Được biết trong đợt thi đua cao điểm này, các hoạt động từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" vẫn tiếp tục chiếm vai trò chủ đạo bởi phong trào luôn có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Đồng thời qua phong trào cũng đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động để phát triển kinh tế.
Để cùng sát cánh với người nông dân thực hiện phong trào thi đua này, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã giữ vai trò cầu nối trong triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến hội viên nông dân, đồng thời chủ động triển khai các chương trình tiếp sức cho nông dân ở mỗi cấp hội... Các hoạt động được triển khai dựa trên những khảo sát, đánh giá thực tế về nhu cầu cũng như khó khăn mà đa số hội viên, nông dân đang gặp phải như về chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất…
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Giải quyết được những khó khăn này thì mới có thể giúp nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và đưa phong trào thực sự phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện các chính sách tín dụng, bảo hiểm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất; triển khai các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề cho nông dân…
Thực tế, đã phối hợp tổ chức gần 1.500 buổi chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 78.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân; ký chương trình phối hợp với 15 sở, ngành; nhiều chương trình phối hợp hoạt động đạt kết quả tốt như: Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Bảo hiểm xã hội, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT... Toàn tỉnh thành lập mới và duy trì 574 tổ liên kết vay vốn với 11.112 thành viên, dư nợ cho vay là hơn 1.670 tỷ đồng; thành lập và duy trì 755 tổ tiết kiệm và vay vốn với 21.740 thành viên, dư nợ đạt trên 626 tỷ đồng.
Đặc biệt, để tạo bước chuyển tích cực trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", các cấp Hội đã và đang tập trung xây dựng các mô hình mới hiệu quả; thành lập các tổ hợp tác để tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Cùng với đó, các cấp Hội cũng chú trọng hỗ trợ "đầu ra" cho các sản phẩm của nông dân bằng cách giúp xây dựng "chỉ dẫn địa lý", tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân trong cách chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng nhãn mác hàng hóa đảm bảo đẹp mắt, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua đó giúp nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 13 Tổ hợp tác và 7 Hợp tác xã. Đồng thời tham gia xây dựng hơn 450 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", trong đó có 36 mô hình cấp tỉnh, 57 mô hình cấp huyện và hàng trăm mô hình ở cơ sở.
Nhờ đó, hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 24.500 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm; hàng nghìn hộ nông dân đã được giúp đỡ và tự mình vươn lên thoát nghèo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của hộ nông dân có quy mô lớn, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như hộ ông Trần Văn Chính (xã Như Hòa, Kim Sơn) với mô hình trang trại nuôi lợn siêu nạc; hộ ông Phạm Đăng Khuyến (Khánh Nhạc, Yên Khánh) với mô hình sản xuất chiếu cói xuất khẩu.
Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua mang nét đặc trưng của tổ chức Hội, dịp này, hội viên, nông dân trong tỉnh đang triển khai đa dạng các hoạt động thi đua khác như xây dựng nhiều mô hình phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông... Hội Nông dân tỉnh cũng đã khởi công xây dựng nhà mái ấm nông dân cho hội viên nông dân nghèo tại xã Xích thổ (Nho Quan), xã Yên Mỹ (Yên Mô);
Tổ chức Hội thi "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" cấp tỉnh năm 2019; xây dựng thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn, trong đó tổ chức khai trương cửa hàng nông sản an toàn Kim Anh (thành phố Ninh Bình) ở khu vực chân núi Cánh Diều nơi Bác Hồ về thăm, kiểm tra chống hạn tháng 3/1959; tổ chức cho cán bộ, nông dân đi thăm Thành cổ Quảng Trị, viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn; học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Hà Tĩnh...
Có thể thấy, điều làm nên sức hút từ các phong trào thi đua của các cấp Hội Nông dân thời gian qua chính là các phong trào đã được tổ chức với mục tiêu rõ ràng, chương trình hành động cụ thể và có sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành.
Đào Duy