1 giờ sáng, chợ vẫn im ắng, chỉ lác đác một vài cửa hàng mở cửa để đón những chuyến hàng từ xa chuyển về. Nhưng chỉ khoảng 30 phút sau, khi các mối hàng từ các huyện, thị lên, các nhà hàng đi mua thực phẩm trong ngày đến, chợ bắt đầu sôi động. Tại gian hàng bán chanh tươi, mặc dù cả chủ và người làm thuê là 4 người nhưng ai cũng luôn chân, luôn tay. Chủ hàng thì bận rộn theo dõi số lượng hàng lên cân, thanh toán; mấy người làm thuê thì nhanh tay bốc và vận chuyển hàng từ trên xe ô tô xuống rồi lại đưa hàng cho khách…
Phải mất 2 giờ đồng hồ, số lượng hàng hóa gần như được tiêu thụ, chỉ còn ít để bán lẻ thì gian hàng chanh mới coi như hoàn thành công việc của ngày hôm đó. ở những gian hàng xung quanh, nào bí xanh, chanh, ớt, gừng, tỏi…cũng tấp nập người mua bán. Ngồi vật vờ vì mệt mỏi, vì giấc ngủ ngon quen thuộc bị phá vỡ, tôi thầm phục những người bán hàng và cả những người làm thuê về sức khỏe dẻo dai bởi đây là công việc gắn bó với họ có khi hàng chục năm.
Chỉ tay sang mấy gian hàng cùng mở hàng vào lúc 1 giờ đêm cô em họ tôi là chủ gian hàng bán chanh tươi cho biết: Lúc 1 giờ đêm chỉ có vài cửa hàng mở cửa vì đây là những hàng bán buôn. Khách hàng chủ yếu là các đầu mối tại các chợ huyện, thị, các nhà hàng nên hàng em bán khá nhanh, mỗi đầu mối 10 kg, 20 kg là 20- 30 thùng hàng của em hết bay. Nhưng gặp ngày nào mưa gió thì hàng chanh "ế" hẳn. Dù là khách "ruột" đi chăng nữa thì họ cũng không lấy hàng cho mình, trong khi chả có hợp đồng gì ràng buộc nhau cả. Những hôm ế hàng, em lại phải ngồi bán lẻ cả ngày. Dù mệt mỏi vì không được ngủ bù, nhưng nếu không ngồi bán, để chanh hỏng thì có khi còn mất cả vốn lẫn lãi.
Ngồi cạnh gian hàng của cô em tôi, chị chủ hàng tên Thanh cũng góp vui bằng câu chuyện của mình. Chị Thanh được coi là người có thâm niên tại chợ Rồng. Hơn 50 tuổi nhưng chị đã gắn bó với chợ từ khi còn là thanh niên. Chị tâm sự: Ngày xưa, nhà nghèo không được học hành "đến nơi đến chốn" nên chị cũng như nhiều người bạn đều chọn chợ Rồng làm nơi lập nghiệp. Ban đầu, kinh nghiệm không có, vốn cũng không, chị chỉ dám bán vài mớ rau, ít hoa quả. Dần dà, có chút vốn mới dám mạnh dạn buôn to. Đến nay, bạn hàng có khắp các huyện, thị nên hàng về đến đâu được tiêu thụ đến đấy. Hơn nữa, hàng nhà chị toàn những thứ có ế cũng không lo nên không bán hết ngày hôm nay, để hôm sau bán tiếp.
Ngó sang gian hàng của chị Thanh, tôi thấy ngồn ngồn nào bí xanh, củ cải, súp lơ, các loại gia vị…Thế mới biết, sức tiêu thụ hàng ngày của thị trường trong tỉnh là rất lớn. Như cô em tôi tiết lộ: Có nhà hàng ăn sáng ở thành phố Ninh Bình, ngày nào cũng lấy của em 10 kg chanh…
Khoảng 4-5 giờ sáng, chợ nhộn nhịp hẳn bởi lúc này, hàng hóa mà chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau, quả tươi tấp nập dồn về chợ. Đây cũng là thời điểm người đi chợ sớm rất đông vì nhiều người vẫn muốn được mua những thực phẩm tươi ngon nhất cho bữa ăn gia đình. Người bán hàng phần lớn ở vùng nông thôn lên, đem theo các mặt hàng quen thuộc của mình: Cá, cua, tôm, rau xanh, nhãn, ổi, na…Hàng của họ đắt khách vì tươi, ngon, xuất xứ từ quê, giá lại rẻ hơn so với các buổi chợ khác. Đây cũng là lúc các chủ hàng đều nhắc nhở nhau phải cẩn thận và cảnh giác bởi rất dễ bị móc túi, mất trộm tài sản.
Một chủ hàng bán thịt bò cho biết: Ngày nào ở chợ cũng có mấy đứa chuyên ăn trộm. Chỉ cần mình thiếu cảnh giác một chút là mất tiền ngay. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày, sợ bị ảnh hưởng đến việc buôn bán nên người nào cũng biết mà không dám làm to chuyện, chỉ thầm nhắc nhở nhau và nhắc khách hàng chú ý ví tiền khi cúi xuống mua và chọn hàng. Nhìn bộ dạng mệt vì thiếu ngủ của tôi, cô em cười bảo: Chị không quen nên vậy chứ với người buôn bán như em, đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sức khỏe giảm sút là việc trông thấy rõ. Cô em cho biết, dù mới đi chợ vài năm nhưng thấy sức khỏe "xuống" thấy rõ. Đêm thức, ngày lại việc nhà, đưa đón con đi học nên thời gian ngủ ít, đầu óc lúc nào cũng thấy "ong ong".
Nhìn sang chị Thanh chủ hàng bên cạnh, chai rượu trắng đặt cạnh chân, làm một ngụm, chị cho biết: Uống để tỉnh táo bán hàng tiếp, lâu ngày thành quen nên sáng nào tôi cũng làm ngụm rượu…Tìm hiểu một số chủ hàng tại chợ, được biết, do là đầu mối cung cấp hàng nên chẳng có chủ hàng nào dám nghỉ một buổi. Bởi chỉ cần nghỉ là mất khách, chưa kể nguồn cung cấp hàng sẽ gây khó dễ. Vậy nên, ốm đau qua loa, nhức đầu, cảm cúm…vẫn phải đi chợ như thường. Chỉ khi gia đình có việc hoặc đi khám, chữa bệnh mới nhờ họ hàng ra bán hộ. Tuy nhiên, cũng chỉ dám nhờ 2-3 ngày là cùng vì còn liên quan đến tiền nong…
Về cùng đường với tôi lúc đồng hồ điểm 5 giờ sáng là mấy cậu thanh niên. Vừa dắt xe ra, cô em đã giới thiệu: đây là sinh viên trường lắp máy đấy chị ạ. Hỏi chuyện một cậu được biết: ở nông thôn lên thành phố học nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên em đi làm thuê tại chợ. Công việc đơn giản vì chỉ vận chuyển hàng hóa từ xe ô tô xuống khi hàng về và xếp hàng lên xe cho khách đến mua. Thời gian làm từ 1- 5 giờ sáng là xong, lương 3 triệu đồng/tháng. Tuy công việc vất vả vì phải thức đêm, nhưng phù hợp với sinh viên nên em phải cố gắng…
Trên đường từ chợ về nhà, tôi cứ miên man suy nghĩ về thân phận của những người gắn bó với chợ đêm và liên tưởng đến hình ảnh con cò đi kiếm ăn đêm. Vì cuộc sống mưu sinh mà họ phải sống cuộc sống đi ngược lại với nhịp sinh học của con người, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, thời gian nên hầu như người nào trông cũng già hơn so với tuổi, sức khỏe giảm sút.
Hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình có 2 chợ thực phẩm có hoạt động kinh doanh, buôn bán vào đêm là chợ Rồng và chợ phường Nam Thành mà mọi người vẫn quen gọi là chợ hoa quả. Vài chục con người là các chủ hàng vẫn duy trì hiệu quả hoạt động cung cấp hàng hóa, thực phẩm phân phối đi các chợ trong tỉnh. Họ vẫn lặng lẽ mưu sinh, mặc cho mưa nắng, gió bão, thậm chí là cả những lúc "trái gió trở giời"…
Bùi Diệu