Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, hàng trăm mô hình đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão của nhiều thanh niên, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.
Anh Lê Văn Tiên, thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn từng là một kỹ sư xây dựng, bôn ba trên những công trường lớn nhỏ ở đất bạn Lào. Thế rồi, anh quyết bỏ việc về quê trồng rau, nuôi cá. Năm 2016, anh bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, củ, quả.
Khởi đầu là khu nhà lưới rộng 3.000 m2 trồng thử nghiệm các giống cây cà chua, dưa chuột, đậu cô ve và rau ăn lá để lựa chọn những loại rau phù hợp với điều kiện trồng trong nhà lưới cũng như thị hiếu người tiêu dùng.
Anh Tiên chia sẻ với chúng tôi: Trong quá trình phát triển mô hình, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn để đầu tư. Những khoản tiền tích cóp trước đây làm xây dựng đều đã đầu tư xây dựng mô hình, không những thế tôi còn phải vay mượn thêm anh em bạn bè, người thân trong gia đình.
Khi mô hình dần khẳng định được hiệu quả, tôi đã mơ tới việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị nhưng thực tế khiến tôi bừng tỉnh ngay lập tức khi nghĩ về số vốn đã cạn kiệt từ lâu.
Trong lúc khó khăn đó, may mắn đã mỉm cười với anh khi được Huyện đoàn Gia Viễn kết nối, báo cáo Tỉnh đoàn xem xét để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên.
Anh Tiên cho biết thêm: Đầu năm 2019, tôi được Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 43 ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn đó đã được tôi sử dụng hiệu quả, đầu tư trang thiết bị máy móc để phát triển sản xuất.
Từ đó, mô hình kinh tế của gia đình tôi đã có bước phát triển mạnh, các nông sản rau củ quả, thịt, cá... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Bên cạnh đó, tôi tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các cửa hàng nông sản an toàn tại thành phố Tam Điệp; thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Cũng giống như anh Tiên, anh Phạm Văn Sơn, xóm 1, xã Kim Hải là một trong những đoàn viên, thanh niên được vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh. Có được nguồn vốn vay ưu đãi này, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển dự án nuôi thủy sản của gia đình tại quê hương.
Sau khi nhận được nguồn vốn vay, anh đã đầu tư hệ thống ao đầm, trang thiết bị để nuôi tôm công nghiệp. Được đầu tư trang thiết bị hiện đại cùng với thời tiết thuận lợi, năng suất mỗi vụ của mô hình đạt trên 8 tấn, thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Anh Sơn chia sẻ thêm: Tuy khoản vay chỉ đáp ứng một phần của nỗi "khát vốn" đối với một dự án nuôi thủy sản, song đã đến đúng lúc tôi cần nhất, với lãi suất ưu đãi nên đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của mô hình kinh tế tôi thực hiện.
Những mô hình, dự án của anh Lê Văn Tiên và Phạm Văn Sơn là hai trong số hàng chục mô hình tiêu biểu, được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh mang lại.
Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, sau 2 năm thực hiện, Tỉnh đoàn đã rà soát, thẩm định và ra quyết định giải ngân 151 mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Các mô hình, dự án được thẩm định lựa chọn từ cấp cơ sở và đảm bảo các điều kiện vay vốn với nhiều ngành nghề khác nhau như: mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ về cây trồng, con nuôi; mô hình dịch vụ du lịch, may mặc, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu...
Nhiều mô hình, dự án của thanh niên trong tỉnh khi được tiếp cận nguồn vốn đã đầu tư khởi nghiệp, đa phần là các mô hình đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Qua khảo sát, thời gian đầu đi vào sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn nhưng đa số dự án, mô hình hoạt động tương đối ổn định, một số mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Trần Văn Bách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Việc triển khai giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho 151 dự án, mô hình thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm hàng năm cho gần 1.000 lao động tại địa phương, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng; mức thu nhập bình quân đầu người ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng, nhiều mô hình, dự án của thanh niên có mức thu nhập bình quân đạt hàng trăm triệu đồng năm.
Có thể thấy, Nghị quyết 43/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh được ban hành và đi vào đời sống đã khuyến khích, tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên mạnh dạn học tập, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, lập nghiệp.
Qua đó góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, giảm tỷ lệ thanh niên mắc tệ nạn xã hội, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để các địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển.
Thái Học