Tiếp cận với bà Kha chúng tôi được biết, bà hành nghề thu gom, tái chế chai lọ đã gần 20 năm. Bà Kha còn cho biết về việc bà đã thu gom chai lọ là rác thải y tế khắp các tỉnh miền Bắc đến miền Trung như thế nào, công nghệ tái chế ra sao và ai là người tiêu thụ sản phẩm của bà… "Mục sở thị" cơ sở tái chế rác thải dưới chân cầu Đế của bà Kha, chúng tôi thấy ở đây, trong những dãy lán lụp xụp là những bao chai lọ thủy tinh được chất đầy lên đến nóc. Có khoảng 10 người, hầu hết là phụ nữ đang tiến hành các công việc rửa, phân loại chai lọ... Những chai lọ vỡ chất thành đống trước cửa; cách đó không xa, dưới chân cầu Đế, ngay sát chân ruộng canh tác của người dân là một đống thủy tinh chừng 2 m3, những người làm công ở đây nói: Cái đống này mấy bữa nữa sẽ mua đất về lấp đi.
Tại cơ sở này, công nghệ rửa chai, lọ được thực hiện như sau: Chai, lọ bẩn được cho vào thùng nước và ngâm hóa chất để tẩy rửa nhãn mác, hóa chất trong chai, rất dễ để nhận ra mùi khí thải hôi thối pha lẫn hóa chất nồng nặc rất khó chịu. Chị Làn, một người dân sống ở bên kia bờ sông, đối diện cơ sở của bà Kha cho biết: Dù đã cách 1 con sông mà những hôm có gió Đông, mùi hóa chất từ cơ sở đó bay sang đây làm chúng tôi rất khó chịu, nhất là trẻ con và người già thì không thể chịu đựng được.
Điều đáng nói là sau khi ngâm rửa chai lọ§, nước thải sẽ được thải trực tiếp ra sông Hoàng Long, đây là con sông cung cấp nguồn nước cho Nhà máy nước Gia Phú. Ông Phúc, một người dân ở xã Gia Phú (Gia Viễn) nói: Nước thải rửa chai lọ nhà bà Kha bằng mắt thường cũng có thể thấy rất độc hại vậy mà bà ta đổ ngay ra đầu nguồn con sông, trong khi nhà máy nước của xã lại ở cuối nguồn. Người dân chúng tôi ai cũng bức xúc, chúng tôi đã phản ảnh rất nhiều nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết.
Được biết, đã rất nhiều lần người dân quanh khu vực cơ sở tái chế rác thải của bà Kha có ý kiến kiến nghị tại các cuộc họp dân và tiếp xúc cử tri, đề nghị cấm cơ sở này hoạt động bởi họ lo ngại tình trạng nước thải độc hại đổ trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt và rác thải là những chai lọ thủy tinh vỡ chôn lấp sơ sài, nếu còn tiếp diễn thì hậu quả mà những người dân phải gánh chịu rất khó lường. Ông Vũ Hữu Thường, Chủ tịch UBND xã Gia Phú (Gia Viễn) cho biết: Trước những bức xúc của người dân, chính quyền xã Gia Phú rất nhiều lần gọi bà Phạm Thị Kha lên trụ sở UBND xã để trao đổi nhưng bà Kha không lên. Xã mặc dù cũng rất muốn giải quyết nhưng không đủ thẩm quyền để cưỡng chế, vì thế đã có ý kiến trình lên huyện và UBND huyện cũng đã nhiều lần thông báo sẽ kiểm tra, xử lý triệt để những thắc mắc của người dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định: Việc làm của bà Phạm Thị Kha có ảnh hưởng không tốt đến môi trường, như xả nước thải xuống ruộng và sông Hoàng Long, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của bà con địa phương. Vấn đề mấu chốt dẫn đến khó giải quyết là không phân loại được đâu là rác thải y tế nguy hại và thông thường. Hơn nữa cơ quan chức năng của huyện cũng thiếu những điều kiện cần thiết như: con người, thiết bị để xác định mức độ nguy hại đến môi trường của cơ sở này để lấy đó làm căn cứ xử lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về phía người dân, họ vẫn chờ đợi một biện pháp xử lý dứt điểm, rõ ràng của chính quyền và các ngành chức năng.
Bảo Yến