Các ý kiến phát biểu đều đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Về Lời nói đầu, nhiều ý kiến cho rằng, Lời nói đầu là một bộ phận quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Tùy thuộc vào truyền thống dân tộc, lịch sử lập hiến của mỗi quốc gia mà Lời nói đầu được soạn thảo với nội dung, kỹ thuật thể hiện khác nhau.
Tuy nhiên, Lời nói đầu của Dự thảo còn dài, đề nghị ủy ban soạn thảo nghiên cứu viết lại cô đọng, súc tích hơn theo hướng ghi nhận một cách tổng quát mục tiêu sửa đổi Hiến pháp, định hướng phát triển của đất nước và vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp.
Về tên nước, nhiều ý kiến như hiện nay. Bởi lẽ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.
Hơn nữa tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Thảo luận Điều 4, các ý kiến đều bày tỏ sự tán thành cao với việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Liên quan đến quy định về thu hồi đất (Điều 58), một số ý kiến đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp vì lý do "các dự án phát triển kinh tế - xã hội". Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tránh việc lạm dụng quy định này để thu hồi đất tràn lan.
Ngoài ra, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật.
Đối với quy định Hội đồng Hiến pháp, một số đại biểu cho rằng, không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp, bởi vì, việc bổ sung thiết chế mới này trong khi chưa quy định rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với các cơ quan khác dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy, không đạt hiệu quả.
Do vậy nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các vị đại biểu là những quy định liên quan tới chính quyền địa phương.
Theo một số đại biểu, hiện nay, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở ba cấp tương tự như nhau và chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, dẫn đến khó phân định được nhiệm vụ của từng cấp. Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương.
Quy định rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng rõ việc, rõ thẩm quyền. Dự thảo cũng nên làm rõ mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, bởi đây là khu vực hoàn toàn khác nhau nên cần có những đặc thù riêng về bộ máy hành chính cũng như trong quản lý điều hành…
Quốc Khang