Theo Lê Minh Sơn lý giải, điệu kèn đám ma "không phải là âm thanh sầu thảm mà là dòng chảy tâm linh đầy sức mạnh". Có người lầm tưởng đó là một trò "gây sốc" của giới nghệ sỹ nhằm lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông. Thực chất đây chính là bước đi đánh dấu một xu hướng sáng tạo mới của một số nhạc sỹ trẻ, đó là lấy chất liệu của văn hóa dân gian làm cảm hứng sáng tác.
Nhìn lại chiều dài sáng tác của Lê Minh Sơn có thế thấy, không phải đến thời điểm này anh mới lấy tìm cảm hứng sáng tác trong văn hóa dân gian. Những nhạc phẩm như: Cò về phố, Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt… đều ít nhiều tìm thấy dấu vết của chất liệu dân gian trong ca từ. Những ca từ như: "Chuồn chuồn bay thấp trời mưa, chuồn chuồn cao trời nắng, chuồn chuồn bay vừa…" (Chuồn chuồn ớt) chính là những biến thể mà nhạc sỹ Lê Minh Sơn lấy từ những câu tục ngữ quen thuộc của người Việt: "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm".
Một nhạc sỹ trẻ khác cũng nổi danh không kém đó là Nguyễn Vĩnh Tiến cũng từng thành công trong hướng đi này. Ca khúc "Bà tôi" của Nguyễn Vĩnh Tiến một thời "làm mưa, làm gió" trên các sân khấu ca nhạc thể hiện đậm đặc yếu tố dân gian từ ca từ đến nhạc điệu. Bài hát "Giọt sương bay lên" của Nguyễn Vĩnh Tiến được chọn là "Bài hát có phong cách dân gian đương đại nổi bật nhất" năm 2005. Giải thưởng Bài hát Việt tháng 11-2005; gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2005 dành cho Nguyễn Vĩnh Tiến chính là sự thừa nhận của giới âm nhạc và thính giả đối với những tìm tòi của anh. Cùng với Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến chính là người gặt hái được nhiều thành công từ hướng đi đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc hiện đại, hướng đi mà nhiều nhà phê bình âm nhạc vẫn quen gọi với thuật ngữ "âm nhạc dân gian đương đại".
Những năm gần đây, đời sống âm nhạc trong nước trở nên sôi động, song có hiện tượng không ít nhạc sỹ sao chép hoặc mô phỏng một cách sống sượng các nhạc phẩm của các tác giả nước ngoài khiến người yêu nhạc phải buồn lòng. Trong bối cảnh đó, những nhạc sỹ trẻ như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác những nhạc phẩm lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian là rất đáng trân trọng. Hành động đó ngoài ý nghĩa lựa chọn một hướng đi trong nghệ thuật còn mang ý nghĩa lớn đó là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đem nghệ thuật xích lại gần hơn với công chúng bình dân. Mặt khác, trong thời buổi cơ chế thị trường, âm nhạc cũng trở thành một sản phẩm thương mại thì việc Lê Minh Sơn và Nguyễn Vĩnh Tiến không dành thời gian sáng tác những tác phẩm cho "dòng nhạc thị trường" mà lựa chọn việc hướng về văn hóa truyền thống, bản thân sự lựa chọn ấy chính là thể hiện một sự dũng cảm.
Mai Phương (Tổng hợp)