Cùng với chính sách hỗ trợ trong Đề án số 1956, trong giai đoạn 2010-2015 và 2016-2018, tỉnh ta đã ban hành các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động như: Chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; chính sách hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, vay vốn đi du học nghề…
Việc triển khai thực hiện các chính sách đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn đi xuất khẩu lao động, du học nghề, từng bước ổn định cuộc sống… với mục tiêu mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho 17 nghìn lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 55%.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nhu cầu học nghề, việc làm của lao động nông thôn; UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của lao động, làm cơ sở để đăng ký nhu cầu đào tạo nghề cho phù hợp với từng địa phương, đáp ứng nhu cầu việc làm, thu nhập của người lao động.
Giai đoạn 2010-2015, tổ chức điều tra, khảo sát điểm chọn mẫu đối với 60/124 xã (đạt 47%) và tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng lao động tại 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 35.823 người trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề. Tỉnh ta cũng chỉ đạo điểm triển khai khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của các hộ gia đình thu hồi đất tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh (xã có tỷ lệ trên 90% bị thu hồi đất làm khu, cụm công nghiệp của tỉnh) sau đó tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và triển khai đồng loạt khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả có 1.488 người thuộc hộ có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề.
Trong giai đoạn 2016-2018, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với hội, đoàn thể tại địa phương tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu hàng năm về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi Sở Tài chính, Ban chỉ đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giao chỉ tiêu, kinh phí đào tạo. Để phục vụ công tác đào tạo nghề, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhất là giáo viên có trình độ trên đại học.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.148 giáo viên đào tạo nghề. Trong đó, 356 người có trình độ trên đại học (chiếm 31%); trình độ đại học, cao đẳng 622 người (chiếm 54,19%); trình độ trung cấp, thợ lành nghề, nghệ nhân 170 người (chiếm 14,81%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyển mới giáo viên giáo dục nghề nghiệp có trình độ đạt chuẩn luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt là lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có cơ chế hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cũng như bồi dưỡng nâng cao tay nghề.
Với những nỗ lực đó, trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh ta đã tổ chức đào tạo nghề cho 101.102 lao động, gồm: 6.849 lao động được đào tạo trình độ cao đẳng; 22.894 lao động được đào tạo trình độ trung cấp; 46.522 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp; 24.837 lao động được đào tạo dưới 3 tháng.
Trong đó có 21.584 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Đề án 1956 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 51 nghìn lao động, gồm gần 3 nghìn lao động đào tạo trình độ cao đẳng; trên 11 nghìn lao động được đào tạo trình độ trung cấp; gần 29 nghìn lao động được đào tạo trình độ sơ cấp; gần 9 nghìn lao động được đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có trên 4 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Đề án 1956 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kết quả trên đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh năm 2010 là 28%, năm 2015: 40%, năm 2016: 43%, năm 2017: 46%, năm 2018: 49%, năm 2019 là 52%, tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn, đạt trên 80%.
Giai đoạn 2010-2018, đã có 25.741 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh, trong đó có 21.654 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp, chiếm 84,12% và 4.087 người được đào tạo nghề nông nghiệp, chiếm 15,88%. Số lao động nông thôn là nữ được đào tạo nghề là 19.504 người (chiếm 75,77%). Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018 là 19.681 người, gồm: 3.438 người thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 16.243 người thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.
Đào Hằng