Trước kỳ họp thứ chín- HĐND tỉnh khóa XIV, cử tri huyện Gia Viễn đề nghị ngành chức năng kiểm tra, sớm khắc phục, sửa chữa mặt cống qua đê tại trạm bơm Lạc Khoái và 2 đầu cống Âu Lê thuộc địa bàn xã Gia Lạc và xã Gia Sinh bị hư hỏng, sạt lở. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã chỉ đạo nhà thầu thi công sửa chữa, hoàn thiện các hạng mục công trình trên từ tháng 1/2019.
Ông Đinh Văn Hảo, cử tri xã Gia Lập phấn khởi cho biết: Chúng tôi rất vui vì những ý kiến của cử tri đã được UBND tỉnh, ngành chức năng quan tâm giải quyết. Nếu như trước kia, nhiều người dân, đặc biệt là các em học sinh Trường THPT Gia Viễn C là những người thường xuyên phải đi qua tuyến đường này gặp nhiều khó khăn vì mặt cống qua đê tại cống Âu Lê (thuộc địa bàn xã Gia Lạc) đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, tạo thành những cái "bẫy người", rất nguy hiểm, thậm chí có trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra ở đây. Do đó, việc chủ đầu tư thi công sớm sửa chữa, khắc phục, đổ bê tông tại 2 đầu cống đã tạo thuận lợi cho bà con tham gia giao thông an toàn. Từ nay, người dân sẽ không còn lo lắng mỗi khi đi qua tuyến đường này nữa.
Chung niềm vui phấn khởi vì những kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh đã được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, ông Nguyễn Văn Hòa, cử tri xã Gia Sinh (Gia Viễn) chia sẻ: Trước kỳ họp thứ chín- HĐND tỉnh khóa XIV, chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu đầu tư, nâng cấp tuyến đường 19/8 (tuyến đường từ Trạm Y tế xã Gia Sinh đến Đồi Sung) đã xuống cấp nghiêm trọng. ý kiến của cử tri đã được các đại biểu HĐND tỉnh gửi đến cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết. Theo đó, chúng tôi được biết, hạng mục nạo vét hồ Bái Đính đã được phê duyệt và tuyến đường trên được đào, nạo vét thành lòng hồ Bái Đính. Tuy nhiên, để tránh ngập úng và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong mùa mưa bão, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện việc đắp tôn cao mặt đường cũ tuyến đường 19/8 (dài khoảng 500m) bằng đất đá cấp phối và đắp con trạch bằng đất nâng cao trình đường 19/8 đến cao trình an toàn giao thông. "Tôi cho rằng việc trả lời của các cơ quan chức năng khá rõ ràng, cụ thể và cử tri, nhân dân đã hoàn toàn yên tâm trước dự án nạo vét hồ Bái Đính cũng như phương án trước mắt cho tuyến đường 19/8"- ông Nguyễn Văn Hòa nói.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ chín- HĐND tỉnh khóa XIV, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng giải quyết hơn 50 nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri trong toàn tỉnh liên quan đến các lĩnh vực như: quy hoạch, đầu tư, giao thông; tài nguyên, môi trường, nông nghiệp; văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, nội vụ; tài chính ngân sách và nhiều nội dung khác thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố. Trong đó, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp; văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, nội vụ là những lĩnh vực nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri (29 nội dung) và đã được các ngành chức năng tiếp thu, giải quyết cơ bản. Tiêu biểu như: Cử tri huyện Yên Khánh đề nghị có biện pháp kiểm tra, xử lý việc một số nhà máy trong khu công nghiệp Khánh Phú thường xuyên xả khói ra đen đặc kèm theo mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân.
Về nội dung này, UBND tỉnh cho biết: Qua giám sát, Khu công nghiệp Khánh Phú có 2 cơ sở có lượng xả khí thải nhiều ra môi trường là Nhà máy đạm Ninh Bình và Nhà máy Kính nổi Tràng An, cụ thể: Đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình: Công ty đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước làm mát tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát theo quy định; Công ty cam kết tiến độ lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc khí thải tự động dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019. Đối với Nhà máy Kính nổi Tràng An: Bụi và khói phát sinh chủ yếu tại lò nung được xử lý bằng cách cho đi qua hệ thống buồng tích nhiệt rồi qua hệ thống xử lý khí thải lò nung bằng phương pháp hấp thụ khí thải bằng sữa vôi trước khi đưa ra các kênh khói thải ra môi trường qua ống khói cao 70m. Kết quả quan trắc, phân tích môi trường tại ống khói (tháng 11/2018) cho thấy các chỉ số phân tích đều nằm trong giới hạn quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Hiện Công ty đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nâng cấp cải tạo và thay thế toàn bộ hệ thống, công nghệ sản xuất, các công trình sản xuất nhằm phát huy hiệu quả dự án và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Cử tri thành phố Ninh Bình đề nghị UBND tỉnh cho biết việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt từ 5% lên 10% (từ năm 2017 đến nay) có đúng không? số tiền thu đến nay được bao nhiêu? Được quản lý và sử dụng như thế nào? Về nội dung này, UBND tỉnh cho biết: Từ ngày 1/1/2017, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Căn cứ quy định của Trung ương, ngày 14/12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, trong đó mức phí đối với nước thải sinh hoạt là 10%/m3 nước sạch chưa bao gồm thuế GTGT, theo đúng quy định của Trung ương. Năm 2017 - 2018, số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt lần lượt là 8,03 tỷ đồng và 9,29 tỷ đồng, được cân đối vào chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ chi công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Mai Lan