Công tác phòng, chống HIV/AIDS được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động được sự tham gia của cả cộng đồng cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS. Để các nội dung, thông tin về phòng, chống HIV/AIDS đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân, công tác thông tin giáo dục, truyền thông được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều địa phương đã quan tâm duy trì hoạt động của các câu lạc bộ với những người dễ bị cảm nhiễm với HIV để truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV, tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV… làm thay đổi thái độ, hành vi của bản thân người nhiễm HIV và gia đình họ. Qua đó giúp họ sớm tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS. Tại nhiều khu dân cư, phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư" cũng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Cấp ủy, chính quyền các cấp đều xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài nên đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể với phương châm lấy dự phòng là chính, trong đó quan tâm đẩy mạnh giáo dục lối sống lành mạnh và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS được các địa phương, đơn vị, nhất là các cơ sở y tế quan tâm thực hiện tốt, đây là nội dung quan trọng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người nhiễm được triển khai có hiệu quả ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt công tác này đang triển khai có hiệu quả tại cộng đồng. Các xã, phường, thị trấn, các trạm y tế đã nắm chắc số người nhiễm HIV/AIDS của từng phố, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, các hành vi nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, giúp đỡ họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội…
Để giúp người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng chăm sóc, điều trị HIV. Lũy tích phát hiện người nhiễm HIV/AIDS tính đến tháng 11-2015 trong toàn tỉnh là 3.661 trường hợp, trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 1.657 trường hợp, bệnh nhân AIDS còn sống là 965 trường hợp, tử vong do AIDS là 1.039 trường hợp. Trong 11 tháng năm 2015, đã phát hiện 110 trường hợp nhiễm HIV, giảm 71 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014, 50 bệnh nhân AIDS, giảm 229 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Toàn tỉnh đã có 8.244 lượt người được tư vấn, 7.870 người được xét nghiệm HIV. Trong đó tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, bệnh nhân lao… Số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV đến nay là 957 đối tượng, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là 639 người… Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và khách hàng của phụ nữ bán dâm đã được hưởng dịch vụ cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí...
Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam" (trong đó các mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp). Nhân Ngày "Thế giới phòng, chống AIDS" 1-12, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động... để đưa các nội dung của công tác phòng, chống HIV/AIDS đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Với chức năng được giao, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các địa phương, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Truyền thông trực tiếp với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm hỏi gia đình người nhiễm HIV, tư vấn tại các cơ sở y tế, tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, truyền thông vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống phân biệt, kỳ thị, đối xử với trẻ nhiễm HIV... Đặc biệt, tại các địa phương có các khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông lao động, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV vào làm việc, gây quỹ ủng hộ người nhiễm HIV...
Từ kết quả của công tác tuyên truyền, toàn tỉnh phấn đấu tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như: bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu...
Lý Nhân