Với phương châm phát triển hội viên mới đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên, nhiệm kỳ vừa qua Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các cấp hội triển khai nhiều loại hình thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức hội. Nổi bật là việc hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo ngành nghề, tổ vay vốn, nhóm liên kết, tổ hợp tác, câu lạc bộ, đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Đồng thời các cơ sở hội trong nhiệm kỳ đã tiến hành rà soát để nâng cao chất lượng hội viên. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã kết nạp được 15.626 hội viên mới, đến nay toàn tỉnh có 130.363 hội viên, bằng 88% so với hộ nông dân.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để công tác hội và phong trào nông dân đi vào nền nếp, công tác xây dựng tổ chức, bộ máy được các cấp Hội quan tâm, trọng tâm là xây dựng Chi hội, cơ sở hội vững mạnh. Đã thực hiện nghiêm đánh giá xếp loại Chi hội, cơ sở hội theo tiêu chí cụ thể. Đồng thời sắp xếp bộ máy giúp việc cơ quan chuyên trách Hội nông dân cấp huyện, tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 Hội nông dân cấp huyện, 143 cơ sở hội, 1.612 Chi hội. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của BCH, BTV Hội nông dân các cấp và Chi hội đã trở thành việc làm thường xuyên. Thực tế, hoạt động của BCH Hội nông dân các cấp đã đi vào những nội dung thiết thực, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò chủ động của các đồng chí ủy viên BCH, BTV, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu.
Các cấp hội cũng đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng chi hội vững mạnh, trong đó phải kể đến mô hình đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, phân công mỗi quý mỗi cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, ủy viên BTV cơ sở dự sinh hoạt ít nhất 3 Chi hội, Hội Nông dân tỉnh định hướng nội dung sinh hoạt Chi hội hàng quý.
Ngoài ra, việc xây dựng mô hình Chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 của Trung ương Hội đã được triển khai làm điểm để rút kinh nghiệm, đến nay toàn tỉnh thành lập được 16 tổ hội nghề nghiệp. Hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp bước đầu cho thấy mô hình đã giúp cho các thành viên trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, làm cho hoạt động của hội thêm phong phú, thiết thực hơn với hội viên nông dân.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở hội vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 88 xã, phường, thị trấn có nông dân là người có đạo và dân tộc thiểu số, đến nay các địa phương này đều đã có tổ chức Hội với 481 Chi hội, 201 cán bộ từ cấp chi hội trở lên là người có đạo và dân tộc thiểu số, 18.198 hội viên. Hoạt động của các tổ chức hội đã đóng góp tích cực vào việc tham gia vận động nông dân chấp hành tốt các quy định của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Các cấp hội đã triển khai 35 mô hình, dự án; 857 buổi tập huấn KHKT, 58 lớp dạy nghề cho 2.030 hội viên nông dân vùng giáo, vùng dân tộc. Trong nhiệm kỳ qua, Hội nông dân các cấp đã giúp 22 hộ xây mới, 45 hộ sửa chữa nhà dột nát, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ hội; phân công cán bộ dự sinh hoạt chi hội tại các xã vùng giáo, vùng dân tộc.
Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt quyết định chất lượng công tác hội và phong trào nông dân, các cấp hội đã chủ động tham mưu, phối hợp kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ kịp thời, đúng quy định, đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay 99,3% Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 70,4% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ Hội tiếp tục được quan tâm thực hiện và có nhiều đổi mới. Hội Nông dân các cấp đã tăng cường công tác quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức và cán bộ; thực hiện Quyết định số 2045/QĐ-TTg ngày 20/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020". Xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, chú trọng tới đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Toàn tỉnh đã tổ chức 59 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 10.486 lượt cán bộ Hội.
Nhờ các giải pháp đồng bộ đó, kết quả phân loại tổ chức hội, chất lượng hoạt động của các cơ sở hội, chi hội được nâng lên rõ nét, số cơ sở hội xếp loại vững mạnh năm 2017 đạt 88%, tăng 3% so với năm 2013; 8/8 huyện, thành phố hàng năm đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đào Duy