Những điểm nhấn Trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, điểm sáng đáng chú ý nhất là ngành công nghiệp và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đạt 1.011 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch năm. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với sự đi vào hoạt động ổn định, phát huy công suất, tạo ra sản phẩmgiá trị cao của một số dự án mới đầu tư.
Đánh giá về sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp và xuất khẩu đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những kết quả trên đã phản ánh sự hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh.
Một trong những chính sách được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/02/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.
Bên cạnh đó, việc Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Qua đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất đạt 4.924 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ, song từ đầu năm đến nay chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Số lượng lợn tiêu hủy ước tính trên 75,1 nghìn con, tương đương 4,2 nghìn tấn, chiếm gần 20% tổng đàn. Dịch bệnh cũng làm cho giá cả thị trường xuống thấp rất khó tiêu thụ lợn hơi, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người chăn nuôi lợn.
Tuy nhiên, do thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 10 xã công bố hết dịch. Giải pháp, khuyến nghị được Sở Nông nghiệp đưa ra trong 6 tháng cuối năm là các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi cần đảm bảo tối đa việc khống chế lây lan dịch, ưu tiên bảo vệ đàn lợn nái để phụ vụ tái đàn, chuyển các hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia cầm và các loại gia súc khác để bù đắp sự sụt giảm ngành chăn nuôi lợn.
Phát huy nội lực để tăng trưởng
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong năm 2019, thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong điều kiện dự báo kinh tế - xã hội sẽ còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thì đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019-2020 tỉnh Ninh Bình.
Đổi mới trong công tác thu hút đầu tư, tập trung đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, nộp ngân sách lớn; thu hút các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tập trung giải quyết một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng cho các dự án đầu tư; tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản, đảm bảo môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.
Đối với ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương sản xuất vụ mùa năm 2019 trong khung thời vụ tốt nhất và chuẩn bị điều kiện cho sản xuất vụ đông; tập trung thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc xin và giám sát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; tập trung cao, sử dụng đồng bộ các biện pháp để khống chế dịch tả lợn Châu Phi, hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy theo quy định; triển khai phương án chuyển đổi sản xuất để sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính và các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu; chống thất thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thực hiện các giải pháp về lĩnh vực thuế, phí, hải quan, bảo hiểm xã hội. Tập trung chỉ đạo, khai thác triệt để mọi nguồn thu, thu hồi thuế nợ đọng, chống thất thu ngân sách.
Quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao và khả năng thu ngân sách; quản lý, giám sát chặt chẽ vốn đầu tư công, không để phát sinh nợ đọng XDCB. Tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, quản lý tài sản công, quản lý chặt chẽ hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nguyễn Thơm