Là một gia đình buôn bán kinh doanh nhỏ tại gia đình, thời điểm trước, gia đình chị Đinh Thị Thúy, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) không quan tâm đến việc tham gia BHYT cho mọi người trong gia đình. Cho đến khi, bản thân chị không may đau ruột thừa phải mổ cấp cứu. Mọi chi phí cho ca mổ, nằm viện, thuốc thang, đi lại, ăn uống… tiêu tốn ngót nghét hơn 5 triệu đồng, trong khi những người có BHYT chỉ phải chi phí chưa đến 1 triệu đồng. Từ đó, chị Thúy rút ra bài học, không thể chủ quan, lơ là với sức khỏe của mình và người thân trong gia đình. Vậy là 2 năm nay, chị Thúy đều đặn tham gia BHYT hộ gia đình cho cả vợ chồng và 2 con trai chưa lập gia đình đang làm nghề mộc. Mỗi năm, 4 người trong gia đình chị Thúy đóng BHYT theo diện hộ gia đình với tổng số tiền chưa đến 2 triệu đồng nhưng ai cũng yên tâm vì được KCB BHYT. Đến tháng 3/2018 vừa qua, chồng chị Thúy thấy sức khỏe không được tốt, hay hồi hộp, nhịp tim không ổn định, đi thăm khám được chẩn đoán mắc bệnh tim, với số tiền phải chữa trị lên đến gần một trăm triệu đồng. Rất may, phần lớn các chi phí phẫu thuật đã được quỹ BHYT thanh toán, giúp gia đình chị Thúy yên tâm điều trị bệnh, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu và việc buôn bán kinh doanh của gia đình.
Theo đồng chí Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, việc phát triển, duy trì, tiến tới bao phủ toàn bộ đối tượng tham gia BHYT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành BHXH. Để thực hiện hiệu quả và bền vững mục tiêu này, những năm qua, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng các hình thức, qua nhiều kênh thông tin, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; trong đó kịp thời tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với người tham gia BHYT thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ nông, lâm, ngư nghiệp, người cao tuổi... 5 năm qua, ngành BHXH và các ngành, đơn vị liên quan đã cấp phát, tuyên truyền hàng trăm nghìn tờ gấp, tờ rơi, sổ công tác…; xây dựng nhiều pa nô, cụm thông tin tuyên truyền trực quan; phát sóng hàng nghìn bài viết, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức gần 400 hội nghị đối thoại trực tiếp cho gần 100 nghìn người lao động, chủ sử dụng lao động, các hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh
Để việc phát triển đối tượng tham gia BHYT đạt kết quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT. Từ chỉ có 1 - 2 đại lý thu là UBND xã, phường, thị trấn với 145 điểm thu và 154 nhân viên năm 2012; đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 1.042 điểm thu với 1.427 nhân viên đại lý nằm trong 5 hệ thống đại lý thu: Đại lý thu UBND xã, phường, thị trấn; đại lý thu Bưu điện; đại lý thu Hội Nông dân; đại lý thu Trung tâm y tế và đại lý thu Hội phụ nữ. Đồng thời ngành BHXH rất quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về BHXH, BHYT và kỹ năng tuyên truyền cho hệ thống đại lý thu. Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh phát triển được nhiều dịch vụ đại lý thu BHXH, BHYT trong cả nước.
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, các cơ sở KCB đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt và dễ thấy để vận động người dân tham gia BHYT. Tính đến tháng 5/2018, ngành BHXH đã ký hợp đồng KCB BHYT với 175 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cùng với việc tạo điều kiện cho người dân được KCB thông tuyến theo quy định của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở KCB trong tỉnh tích cực cải cách quy trình KCB, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực..., không ngừng nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, các đơn vị y tế còn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động nhằm trau dồi y đức, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Bộ quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành. Qua đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến y tế được cải thiện đáng kể.
Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công tác KCB bằng BHYT trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, chú trọng đến thanh tra, kiểm tra đột xuất, bất ngờ, vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ nhằm phát hiện, xử lý và chấn chỉnh kịp thời những cá nhân, đơn vị sai phạm trong KCB BHYT, làm gia tăng bội chi quỹ BHYT. Hàng năm, BHXH tỉnh và Sở Y tế luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác giám định BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi KCB BHYT theo quy định cho người tham gia BHYT. Từ đó, số người KCB BHYT không ngừng tăng lên, giảm dần tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến. 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 633 nghìn lượt người dân đến KCB tại các cơ sở y tế, số chi KCB BHYT là trên 326 tỷ đồng.
Bằng việc tham gia, vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh có 856 nghìn người tham gia BHYT, đạt gần 89% dân số, vượt gần 10% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đưa Ninh Bình từ tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp trở thành tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT cao trong cả nước.
Hiện toàn tỉnh còn trên 100 nghìn người dân chưa tham gia BHYT. Để thực hiện được các chỉ tiêu hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt tiến tới lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020, ngành BHXH và Y tế đã xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp và tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Căn cứ chỉ tiêu UBND tỉnh giao hàng năm, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho từng xã, phường, thị trấn, việc giao chỉ tiêu phải cụ thể cho từng nhóm đối tượng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT bằng việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ sở KCB từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, đặc biệt đảm bảo tuyến y tế cơ sở có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản phục vụ KCB BHYT ban đầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý của ngành BHXH. Củng cố, duy trì và mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT rộng khắp trên địa bàn về đến các thôn, xóm, tổ dân phố. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT trong các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, việc thực hiện các quy định về chuyên môn trong KCB, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BHYT, hành vi lợi dụng quỹ KCB BHYT…, tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Mỹ Hạnh