Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố và lực lượng công an cơ sở chủ động tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Từ việc nắm bắt tình hình những người đã chấp hành xong án phạt tù cho thấy, phần lớn những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương muốn có việc làm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn có trường hợp tái phạm do không có việc làm, gia đình thiếu quan tâm, bạn bè rủ rê, bản thân không chịu rèn luyện, sửa chữa tội lỗi…
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh đã nghiên cứu tài liệu, các văn bản pháp luật, hoàn thiện đầy đủ về mặt pháp lý, lập hồ sơ đăng ký dạy nghề, trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định sớm thực hiện mô hình "Đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng".
Từ khi mô hình dạy nghề ra đời, hàng loạt lớp dạy nghề đan lát thủ công, các lớp xây dựng dân dụng, lớp học lái xe… cho người chấp hành xong án phạt tù đã mở ra. Cùng với việc tổ chức dạy nghề, lực lượng công an còn liên hệ với một số doanh nghiệp để giới thiệu việc làm khi các đối tượng học nghề xong và có, đầy đủ các điều kiện thì sẽ được nhận vào làm việc.
Ngoài ra, Công an tỉnh còn tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng với nhiều biện pháp phù hợp. Lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người chấp hành xong án phạt tù thông qua việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù; xây dựng những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù...
Phòng Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh nhập dữ liệu quản lý thông tin toàn bộ số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, phục vụ công tác quản lý, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Công an các huyện, thành phố làm tốt việc tiếp nhận, vào sổ theo dõi, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị phân công cán bộ, chiến sỹ theo dõi và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.
Tăng cường công tác quản lý cư trú đối với người chấp hành xong án phạt tù; trực tiếp gặp gỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, hướng dẫn họ làm các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đăng ký hộ khẩu và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thủ tục xóa án tích, đăng ký thường trú, tạm trú theo đúng quy định.
Dưới sự chỉ đạo của Công an các huyện, thành phố, công an các xã, phường, thị trấn kịp thời nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng trường hợp người chấp hành xong án phạt tù để tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền có biện pháp phối hợp với gia đình, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức ở địa phương, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù phòng ngừa họ tái phạm tội sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng công an còn phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương xây dựng nhiều mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng, như mô hình "Giáo dục, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng" mô hình "Toàn dân tham gia tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù", "Cảm hóa giáo dục người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng" ở nhiều xã, thị trấn của huyện Nho Quan, Yên Mô, thành phố Ninh Bình, Tam Điệp…
Việc xây dựng các mô hình đã tạo điều kiện cho những người có khát vọng hoàn lương vơi bớt mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên, không chỉ tạo lập cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều người, trở thành những tấm gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng. Đó không chỉ là một việc làm mang tính xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.
Trần Mạnh Dũng