P.V: Để thu hút cán bộ, hội viên, nông dân tham gia vào thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Minh Lộc: Để thu hút đông đảo hội viên nông dân, đặc biệt là nam nông dân trong thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt các chính sách Dân số - KHHGĐ, tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: Học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Hội, tổ chức tập huấn tuyên truyền lồng ghép ở các cơ sở Hội, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, tuyên truyền lưu động, băng zôn, tờ rơi, panô, khẩu hiệu, viết tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt CLB...
Nội dung tuyên truyền phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, bám sát nội dung của Nghị quyết và kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo công tác Dân số, nhiệm vụ chính trị của địa phương và của Hội cấp trên. Chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nông dân, những cặp vợ chồng sinh con 1 bề, đặc biệt là những gia đình 1 bề là gái, tuyên truyền mô hình xây dựng gia đình chuẩn mực, mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hội còn phối hợp tổ chức vận động, hướng dẫn, phổ biến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn.
Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ được các cấp Hội triển khai rộng khắp. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức có hiệu quả các hoạt động như: Tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, thành lập CLB "Nông dân với công tác dân số - KHHGĐ", câu lạc bộ "Nam nông dân không sinh con thứ 3"; nói chuyện chuyên đề về dự án "Sàng lọc trước và sau sinh"; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt CLB tiền hôn nhân, khám tư vấn tiền hôn nhân; tuyên truyền đề án "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Xã hội - Dân số, Gia đình Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mít tinh hưởng ứng ngày "Dân số thế giới 11-7" và tổ chức giao lưu CLB nông dân với "Dân số và phát triển" cho cán bộ, hội viên, nông dân tại huyện Hoa Lư...
P.V: Xin đồng chí cho biết hiệu quả từ các mô hình về dân số-KHHGĐ do Hội Nông dân tổ chức?
Đ/c Nguyễn Minh Lộc: Hội Nông dân các cấp tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước ở nông thôn về chính sách dân số và KHHGĐ. Các gia đình hội viên nông dân tham gia ký cam kết thực hiện Pháp lệnh Dân số, không sinh con thứ ba, đưa việc thực hiện KHHGĐ vào tiêu chí thi đua bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa". Để đạt được danh hiệu gia đình văn hóa, các hộ cần đạt các tiêu chí như: Không đói nghèo, không sinh đông con, không có trẻ em bị suy dinh dưỡng…
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dân số và sự tham gia hưởng ứng của hội viên nông dân trong công tác Dân số-KHHGĐ, Hội đã phát động các phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh và cải thiện môi trường sống tại cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng dân số. Công tác giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường sống tại cộng đồng dân cư luôn được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Các cấp Hội đã ưu tiên triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân, chú trọng đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn trong tỉnh.., từ đó góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia thực hiện các chính sách dân số, KHHGĐ.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đã có hàng nghìn chị em hội viên trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề cam kết thực hiện KHHGĐ và cam kết không sinh thêm con. Quan niệm về hôn nhân và sinh con của hội viên nông dân đã chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng có nhiều người chấp nhận kết hôn muộn, đẻ thưa, đẻ ít để nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Hội viên, nông dân có ý thức và tham gia đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống.
P.V: Mặc dù đã có sự chuyển biến, vào cuộc của nam giới trong công tác Dân số-KHHGĐ nhưng hiệu quả chưa cao, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh có giải pháp gì để thu hút ngày càng nhiều nam giới tham gia công tác Dân số-KHHGĐ?
Đ/c Nguyễn Minh Lộc: Để hội viên nông dân tích cực tham gia, đặc biệt là nam nông dân với công tác Dân số-KHHGĐ, hoạt động của các CLB "Nông dân với công tác Dân số-KHHGĐ", "Nam nông dân không sinh con thứ 3 trở lên" cần hiệu quả, mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chính sách dân số- KHHGĐ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về dân số-KHHGĐ với hình thức, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng, tập trung ở vùng khó khăn, địa bàn khó tiếp cận, vùng đông dân có mức sinh chưa ổn định, nơi có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh, các đối tượng sinh con một bề… Bên cạnh đó, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho công tác dân số - KHHGĐ tại các vùng có tính đặc thù: vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Trong đó cần ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong nhân dân, đề cao trách nhiệm đối với việc thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)