Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, những năm trước đây TNGT đường sắt xảy ra có lúc lên đến mức báo động. Trước thực tế trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nên TNGT giảm. Năm 2015 xảy ra 2 vụ làm 2 người chết, năm 2016 xảy ra 1 vụ làm 1 người chết và từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ TNGT đường sắt nào.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 2/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm TTATGT đường sắt, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATGT đường sắt.
Sở Giao thông - Vận tải và chính quyền các địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt trong việc giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang, hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư và huyện Yên Mô. Cải tạo, nâng cấp hình thức phòng vệ đường ngang cắm biển chú ý tàu hỏa tại nhiều lối đi dân sinh.
Công tác tập huấn nghiệp vụ cho các nhân lực được bố trí cảnh giới ATGT, xây dựng chòi gác cảnh giới, lắp đặt điện thoại báo tàu, cung cấp trang thiết bị cho người được địa phương cử ra làm nhiệm vụ cảnh giới theo quy định của Thông tư 08/2014/BGTVT được thực hiện thường xuyên. Việc kết nối tín hiệu đường bộ và đường sắt tại đường ngang, thu hẹp lối đi dân sinh được thực hiện.
Đến nay, 7 điểm giao cắt đường bộ và đường sắt có nguy cơ TNGT cao: thành phố Ninh Bình 2 điểm, huyện Hoa Lư 2 điểm, thành phố Tam Điệp 2 điểm đã được lắp đặt thiết bị cảnh giới.
Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn, để chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng ngừa TNGT và bảo đảm TTATGT đường sắt; chỉ đạo Phòng CSGT và Công an các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua bố trí lực lượng tham gia tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo Quy chế phối hợp với ngành đường sắt.
Lực lượng Công an thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đường sắt của người và phương tiện tham gia giao thông tại đường ngang, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, nhà ga và hành lang an toàn giao thông đường sắt; dừng, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt...
Việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm TTATGT đường sắt được quan tâm chỉ đạo, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Trên địa bàn tỉnh không để phát sinh thêm đường ngang trái phép.
Nhiều giải pháp cụ thể bảo đảm TTATGT tại các đường ngang đã được ngành được sắt và chính quyền địa phương phối hợp giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì hoạt động của các chốt gác tại đường ngang qua đường sắt còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, các chốt gác do địa phương lập ra chưa duy trì được thường xuyên.
Một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT có lúc, có nơi còn yếu, dẫn đến vi phạm pháp luật về ATGT, gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Để làm tốt công tác phối hợp bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, ATGT đường sắt khu vực tỉnh Ninh Bình theo Quy chế phối hợp liên ngành số 1247/QC-LN ngày 28/6/2011 giữa Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Đẩy mạnh thực hiện các nội dung tại Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh về đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Kiên quyết không để phát sinh đường ngang qua đường sắt trái phép. Huy động thanh niên, cựu chiến binh và các tổ chức tham gia cảnh báo trên các lối đi ngang qua đường sắt.
Thực hiện tốt việc kết nối tín hiệu giữa đường sắt và đường bộ. Xây dựng lộ trình giảm, tiến tới xóa bỏ lối đi dân sinh theo giải pháp làm đường gom. Phấn đấu giảm TNGT đường sắt.
Mạnh Dũng