Giám đốc Công ty MCNex Vina - một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất các giải pháp hình ảnh cho điện thoại, ô tô và hệ thống an ninh tại Khu công nghiệp Phúc Sơn cho biết: Từ tháng 9 tới nay, người lao động trong Công ty thường phải làm tăng ca vì Công ty chưa tuyển được đủ người, trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện các đơn hàng theo thời gian đã định.
Được biết, trước đây khi mới đi vào hoạt động, mỗi tuần Công ty có thể tuyển được cả nghìn lao động, nhưng hiện nay, dù đã rất cố gắng nhưng cả tháng cũng không thể đạt tới con số này. Thậm chí, doanh nghiệp này đã phải "hạ" rất nhiều tiêu chí tuyển dụng như về trình độ học vấn chỉ cần lao động tốt nghiệp tiểu học thay vì phổ thông trung học như trước đây; còn độ tuổi lao động cũng được điều chỉnh lên hơn 40 tuổi so với 30 tuổi như ban đầu… Cùng với đó, các chính sách đãi ngộ tiếp tục được cải thiện với những chế độ phụ cấp về nhà ở, xăng xe, phụ cấp con thơ… Những nỗ lực đó cũng chỉ có thể giúp Công ty tuyển được 900 lao động vào tháng 10 vừa qua và gần như không có sự lựa chọn.
ở vào hoàn cảnh tương tự, từ cuối năm 2017 đến nay Công ty May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu) thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu tới vài trăm lao động. Chị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc nên Công ty phải sử dụng tới hàng nghìn lao động, chủ yếu là nữ nhưng việc tuyển dụng lại rất khó khăn. Mặc dù Công ty đã phối hợp với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để gửi thông báo tuyển dụng xuống tận thôn, xóm, thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên tuyển lao động, đồng thời chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ dạy nghề cho người lao động sau khi tuyển dụng… nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiện doanh nghiệp đã phải mở các "vệ tinh" để "san sẻ" đơn hàng nhưng thực chất Công ty vẫn phải chịu chi phí nhiều hơn mà chất lượng hàng hóa đôi khi không được như mong muốn.
Có thể thấy nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông hiện nay của doanh nghiệp là khá lớn. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), năm 2018 có 273 lượt doanh nghiệp đăng sàn giao dịch việc làm với 14.115 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại Trung tâm, số người được tuyển dụng là: 1.166 người, tức là chưa tới 10% so với nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho biết: Trung tâm luôn hỗ trợ và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, tư vấn qua các phiên giao dịch việc làm, qua website, các trang mạng xã hội... Tuy nhiên, lượng lao động được tuyển qua sàn giao dịch việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Về nguyên nhân của thực trạng này, ông Hải cho rằng: Mức thu nhập của nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động chưa hấp dẫn, vì vậy chưa thu hút được nhiều lao động. Mặt khác, một số công ty thường xuyên thiếu lao động là do lao động thường có tâm lý "nhảy việc" khi thấy công ty khác có chế độ đãi ngộ hay mức lương cao hơn; cùng với đó ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp của người lao động chưa cao, không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp… Thực tế, một số lao động ở những địa phương khác cũng muốn đến các khu công nghiệp làm việc nhưng e ngại về vấn đề nhà ở vì với mức thu nhập không cao mà phải thuê nhà nữa thì cuộc sống khá chật vật.
Thiết nghĩ, để giải bài toán khan hiếm lao động cũng như thu hút được lao động vào làm việc, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện tốt pháp luật lao động, quan tâm thực chất đến điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, xây dựng các khu nhà trọ tập thể và đảm bảo các quyền lợi khác cho công nhân.
Đào Duy