Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Công viên Động vật hoang dã: Tổng nhu cầu vốn đầu tư vào dự án khoảng 7.368 tỷ đồng, trong đó: vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỷ đồng (71,2%) đầu tư cho các hạng mục: Xây dựng hạ tầng các phân khu và các dự án, công trình dịch vụ, du lịch trong phạm vi Công viên.
Ngân sách Nhà nước khoảng 2.121 tỷ đồng (28,8%) đầu tư cho các hạng mục: Giải phóng mặt bằng; các trục đường trong Công viên; các trạm cấp nước, cấp điện, xử lý nước thải, rác thải; cơ sở hạ tầng Phân khu động vật hoang dã, Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển động vật hoang dã.
Để thu hút đầu tư vào dự án, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư theo từng giai đoạn cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2017 ưu tiên thu hút vào các hạng mục, phân khu: Thu hút đầu tư vào phân khu tái định cư đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình xã hội: Trường mầm non; nhà văn hóa; bảo tồn, tôn tạo điểm văn hóa tâm linh Phật giáo; nhà tập thể thao; trung tâm y tế…
Thu hút đầu tư vào một số hạng mục khu trang trại 2 thuộc Phân khu cây xanh sinh thái. Thu hút đầu tư vào khu chăm sóc nghiên cứu như: các khu bệnh viện thú; trung tâm nghiên cứu khoa học.
Giai đoạn 2018 - 2020 ưu tiên thu hút vào các hạng mục dịch vụ thuộc khu thú châu á thuộc phân khu động vật hoang dã như: Bãi xe, các khu nhà dịch vụ, nhà tham quan…; một số hạng mục khu Bungalow thuộc Phân khu cây xanh sinh thái; một số hạng mục thuộc Phân khu trung tâm dịch vụ như: Đầu tư xây dựng nhà văn phòng, bãi để xe, khu dịch vụ hỗn hợp (nhà hàng, phố ẩm thực….), khu dịch vụ khách sạn; khu vui chơi giải trí theo chủ đề như: Khu phim trường; khu thế giới nước; khu vui chơi cảm giác mạnh; khu biểu diễn nghệ thuật; khu mô hình các công trình Châu Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc; đầu tư xây dựng khu thể dục thể thao, khu dịch vụ ăn uống, nhà hàng; trường đua ngựa.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào dự án, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào dự án sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, công tác thông tin, tuyên truyền...
Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh Ninh Bình thì các dự án của doanh nghiệp đầu tư tại Công viên Động vật hoang dã được hỗ trợ như dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo ông Phạm Văn Thành: Quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh là kêu gọi đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư các đối tác chiến lược, các địa bàn, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài vào Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển tốt các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ và du lịch; giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Nguyễn Thơm