Có dịp gặp và trao đổi với anh Phạm Hồng Minh, Phó trưởng phố Bình Hà (phường Ninh Khánh - Tp. Ninh Bình) về những lần đi hiến máu tình nguyện mới thấy đối với anh, việc làm ý nghĩa này là đương nhiên, có ý nghĩa và trách nhiệm của một công dân. Đối với các phường, xã trên địa bàn thành phố Ninh Bình, cuộc vận động hiến máu nhân đạo được triển khai từ năm 2007, tuy mới qua 4 năm thực hiện nhưng anh Minh đã có 5 lần đi hiến máu, bởi riêng năm 2010, anh đã đi hiến máu đến 2 lần. Trước câu hỏi - người thân có ý kiến như thế nào về việc anh đi hiến máu nhân đạo, anh Minh cười rất tươi cho biết: Năm 2007, năm đầu tiên được Hội Chữ thập đỏ thành phố tuyên truyền phát động, anh rủ một người bạn đi cùng và bàn với nhau "trốn" gia đình để đi, bởi thời điểm ấy, phong trào hiến máu nhân đạo chưa phát triển sâu rộng như bây giờ, nếu nói trước với người thân, ít nhiều anh sẽ gặp phải sự phản ứng của gia đình, có khi không được việc. Vài hôm sau, là 1 trong 19 người của phường được tuyên dương trên Đài phát thanh, vợ anh nghe được mới tá hỏa, vừa lo lắng cho sức khỏe của chồng lại vừa thấy chạnh lòng khi có "lời ra tiếng vào" của một vài người trong phố, nói anh Minh thích thể hiện, thích thành tích… Có dịp "thú tội", anh nói rõ ý nghĩa, mục đích, cái lợi của việc đi hiến máu nhân đạo cho cả gia đình biết - những hiểu biết về vấn đề này được anh nắm bắt rất kỹ từ tờ rơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, như việc hiến máu với mục đích là thành lập lực lượng hiến máu dự bị để cung cấp máu tốt cho các trường hợp mổ cấp cứu, mổ đột xuất, hỗ trợ cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi ngân hàng máu bệnh viện không còn máu; lượng máu hiến mất đi được phục hồi nhanh sau 3 - 5 ngày. Máu được tái tạo lại là máu mới do cơ thể sinh ra, các thành phần trong máu được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật và tạo sự phấn chấn trong người, như vậy hiến máu làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn..., và khẳng định bằng chứng là mình vẫn khỏe, vui vẻ, hăng say làm những việc đồng ruộng và tham gia việc phố, việc phường, việc gia đình hiệu quả. "Mưa dầm thấm lâu", đều đặn qua các năm, khi có dịp kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ, anh Minh đều hồ hởi "lên đường" đi hiến máu và không quên mỗi năm "rủ" thêm vài người thân, bạn bè đi cùng. 4 năm qua, anh Minh đã vận động được thêm rất nhiều người thân tham gia, như em vợ, anh vợ, con, chị vợ…, lên đến 10 tình nguyện viên trong nội bộ gia đình và 6 người cùng phố.
Đối với anh Vũ Tiến Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) thì những lần đi hiến máu cùng vợ cũng là những kỷ niệm đẹp. Cách đây 4 năm, lần đầu tiên (khi đó còn hoạt động trong tổ chức Đoàn phường), được Hội Chữ thập đỏ các cấp phát động, tuyên truyền việc hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, anh Hạnh không ngần ngại đăng ký đi hiến máu. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại được tìm hiểu qua các tài liệu và phương tiện thông tin đại chúng về việc hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, anh Hạnh bàn và rủ vợ đi cùng. Ban đầu chị Phương Nga - vợ anh cũng còn chút lăn tăn, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc làm vợ, làm mẹ trong gia đình, nhưng rồi chị bị anh thuyết phục hoàn toàn khi khẳng định đây cũng chính là dịp để mình kiểm tra sức khỏe của bản thân, vì những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu, HIV, vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C, IgMHbC, giang mai, sốt rét, kháng thể bất thường, vi rút tiền ung thư máu và quan trọng là được nhận giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện để trong suốt cuộc đời nếu bạn cần nhận máu sẽ được bồi hoàn đủ lượng máu bạn đã hiến. Khi vợ đã "thông", những lần hiến máu sau đó, hai vợ chồng đều nhắc nhau giữ gìn sức khỏe theo chỉ định trước khi đi hiến máu, như ngủ đủ, ăn nhẹ, giữ tinh thần thoải mái… Nhiều lần hai vợ chồng cùng nhau đi hiến máu, chị Phương Nga luôn bị mọi người trêu "giữ chồng" quá chắc. Đã 4 năm anh Hạnh cùng vợ đi hiến máu tình nguyện, vợ chồng anh cũng đã được tặng nhiều giấy khen, giấy chứng nhận, quà tặng làm kỷ niệm của các đơn vị, cơ sở vận động làm từ thiện. Nhưng theo anh Hạnh, vợ chồng anh đi hiến máu tình nguyện đều đặn hàng năm như thế không phải vì thành tích, cũng không phải vì những món quà kỷ niệm, mà mong muốn của anh là người dân, nhất là những thanh niên có tuổi trẻ, có sức khỏe hãy "làm gì đó phù hợp với sức mình" đóng góp cho cuộc sống, cho cộng đồng và việc hiến máu tình nguyện chỉ là một việc rất nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể làm được.
Theo đồng chí Phạm Trung Thuần, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nam Thành, đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện của phường khá đa dạng. Không chỉ các đoàn viên, thanh niên, rất nhiều cán bộ, công chức của phường, bà con nông dân, người kinh doanh buôn bán… cũng rất nhiệt tình và nhiều lần tham gia hiến máu. Nhiều cá nhân như: ông Hoàng Xuân Thuận, Lê Xuân Toán, Nguyễn Văn Quân, Phạm Thị Kim Thoa… đều liên tục 3-4 lần đi hiến máu. Phường Nam Thành cũng là một trong những đơn vị có phong trào hiến máu tình nguyện phát triển sâu rộng, vượt nhiều lần kế hoạch được giao: Năm 2008 có 46 người tham gia, thu 46 đơn vị máu; năm 2009 có 48 người tham gia, thu 48 đơn vị máu… Có được kết quả đó, theo đồng chí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường là do các cấp hội, đoàn thể của phường Nam Thành đã có phương pháp tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân; sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền phường. Đó không chỉ là sự động viên kịp thời về tinh thần, vật chất mà còn là sự nhiệt tình tham gia của chính các đồng chí lãnh đạo phường và đi đầu trong việc vận động thêm nhiều người thân trong gia đình, họ tộc cùng tham gia, để ngày hiến máu tình nguyện hàng năm trở thành ngày hội của phố, của phường…
Mỹ Hạnh