Khoa khám bệnh vào buổi sáng đầu tuần tập trung khá đông bệnh nhân, nhu cầu khám bệnh ở tất cả các chuyên khoa nên tại các khu vực chờ, ghế ngồi hầu như kín người. Vừa cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, định hỏi thêm bác sỹ nhưng vì lượng người chờ rất đông nên chị Đinh Thị Hoa đành ngồi đợi. Đúng lúc ấy, chị Giang Thị Sinh, là nhân viên công tác xã hội của Bệnh viện đi đến, xem tờ kết quả, chị cười giải thích cho bệnh nhân. Sau khi được nghe giải đáp, chị Hoa như được giải tỏa nỗi lo lắng vì mới xem kết quả xét nghiệm, chị cứ nghĩ rằng nang noãn trong buồng trứng là có khả năng mình bị khối u gì đấy.
Quan sát công việc của chị Giang Thị Sinh, rất đỗi tò mò với hoạt động khá mới mẻ này, chúng tôi đã dành một buổi để theo chị đi các khoa, phòng thực hiện nhiệm vụ. Vừa đi, chúng tôi vừa trao đổi về những việc thường ngày chị làm và trực tiếp chứng kiến những tình huống ít người biết. Chị Sinh chia sẻ: Trước tôi làm điều dưỡng ở Bệnh viện nên kiến thức về y học cộng với quá trình công việc đã giúp tôi ít nhiều gắn bó với công tác xã hội. Đến khi Bệnh viện triển khai hoạt động này, tôi là người được Ban giám đốc lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ nên bản thân càng phải sát sao hơn với công việc để gắn kết được mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc.
Nghe thì đơn giản, nhưng trực tiếp chứng kiến chị Sinh đến các khoa, phòng, nhất là ở các điểm thường tập trung đông người trong khu vực Bệnh viện như: Khu đón tiếp người bệnh, điểm thanh toán dịch vụ, bảo hiểm y tế, khoa Khám bệnh… để nghe bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có những thắc mắc hay phiền hà gì còn kịp thời giúp đỡ, giải thích. Nhiều khi chỉ đơn giản là thủ tục, giấy tờ nhưng người bệnh có lẽ do vội vàng nên đến Bệnh viện còn thiếu loại giấy tờ nào đó. Trong trường hợp đó, rất khó để có thể làm các thủ tục. Nhưng nếu người bệnh không hiểu, rất dễ cáu giận, nổi nóng với bộ phận hành chính.
Những lúc như vậy, nhân viên công tác xã hội như chị Sinh phải có mặt kịp thời để giải thích, hướng dẫn cặn kẽ để người bệnh hiểu và chấp hành. Với nhiều trường hợp, chị Sinh còn "lồng" vào để tuyên truyền, vận động người bệnh cần phải tham gia bảo hiểm y tế để được chia sẻ gánh nặng về kinh tế khi ốm đau, bệnh tật, giải thích về việc điều chỉnh mức giá các dịch vụ kỹ thuật mà người dân quen gọi là viện phí, cung cấp thêm những thông tin về dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là những dịch vụ mới, kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản - nhi để nhiều người biết… Trong công việc hàng ngày của mình, chị Sinh còn đến các buồng bệnh để thăm hỏi bệnh nhân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, góp phần giải đáp, giải quyết những thắc mắc, băn khoăn của người bệnh.
Với sự quan tâm, chia sẻ nhẹ nhàng, ân cần của nhân viên công tác xã hội, có những người bệnh đã chia sẻ về những tồn tại, thiếu sót của Bệnh viện trong quá trình họ nằm viện. Điều này đã giúp Bệnh viện chấn chỉnh và nâng cao y đức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Do đó, những năm gần đây, ở các khoa, phòng của Bệnh viện đã không còn tình trạng quát mắng bệnh nhân, gợi ý đưa phong bì… Qua đó, còn trợ giúp cho các y, bác sỹ giải thích cho bệnh nhân hiểu về quyền lợi, trách nhiệm của người bệnh để giữa người bệnh, gia đình người bệnh và nhân viên y tế có sự thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khám và điều trị.
Với lượng bệnh nhân nhập viện hàng ngày đông, khoảng 450- 500 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày trong khi chỉ tiêu giường bệnh được tỉnh giao là 300 giường bệnh. Do đó, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên ở các khoa, phòng. Trung bình, mỗi bác sỹ hàng ngày phải tiếp đón, khám, điều trị khoảng vài chục bệnh nhân. Với lượng bệnh nhân đông như vậy nên việc giao tiếp, trò chuyện để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh tật, sức khỏe của bệnh nhân là hết sức hạn chế.
Trao đổi với bác sỹ Đinh Thị Yến, Trưởng khoa Khám bệnh được biết: Như khoa Khám bệnh hàng ngày phải đón tiếp và khám cho khoảng trên 200 lượt bệnh nhân, lúc cao điểm khoảng 250- 270 lượt bệnh nhân. Với 6 buồng khám về: sản, phụ, nhi thì mỗi bác sỹ trung bình 1 ngày phải tiếp và khám cho từ 30- 40 lượt bệnh nhân nên thời gian để bác sỹ tìm hiểu kỹ hơn về bệnh tật cũng như tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân không có nhiều. Mặc dù tại Khoa Khám bệnh đã đặt 2 bàn hướng dẫn, rút số tự động, 1 bàn cặp nhiệt độ để giảm tải cho các buồng bệnh nhưng áp lực công việc với các bác sỹ, nhân viên y tế ở Khoa là rất lớn. Khi Bệnh viện hình thành mô hình công tác xã hội đã góp phần quan trọng giúp các khoa, phòng và các bác sỹ nắm bắt kỹ hơn tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, động viên người bệnh phát huy tinh thần dân chủ, mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng để Khoa Khám bệnh nói riêng, các khoa, phòng trong Bệnh viện nói chung nhận thức và nhìn nhận được những việc làm tốt, những mặt còn hạn chế để khắc phục, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Đặc biệt, nhiều chế độ, chính sách mới như: Việc điều chỉnh viện phí, điểm mới của Luật Khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế có rất nhiều người bệnh chưa hiểu, thường hay thắc mắc khi đến khám bệnh… Khi có nhân viên công tác xã hội sát cánh, những vấn đề này nhanh chóng được giải đáp.
Mới hoạt động được hơn nửa năm, nhưng hiệu quả từ mô hình công tác xã hội mà Bệnh viện Sản - Nhi đang triển khai đã đem lại những kết quả mà cả người bệnh và người thầy thuốc đều cảm nhận được. Đây là mô hình cần được nhân rộng ra các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đã hướng tới mục tiêu giảm phiền hà cho người bệnh, tăng sự hài lòng đối với người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Phan Hiếu