Trên tuyến này có nhiều đường ngang dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt, không có rào chắn và hệ thống đèn, chuông báo hiệu. Có nơi là "điểm đen" về tai nạn giao thông (TNGT), gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cho cả người dân và ngành Đường sắt. Một số người tham gia giao thông do ý thức kém không chấp hành Luật Giao thông, không chú ý quan sát tàu hỏa, cố tình vượt ẩu gây tai nạn. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư sinh sống dọc hai bên đường sắt chưa có lối đi riêng nên các hộ còn tùy tiện mở đường ngang qua đường sắt, làm hình thành hơn 60 đường dân sinh.
Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực phối hợp với ngành Đường sắt nghiên cứu, thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang, xóa bỏ các điểm giao cắt mở trái phép, từng bước sửa chữa, nâng cấp nền đường tại các nơi giao cắt, bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, chuông…
Đến nay, toàn tỉnh đã xóa bỏ được 105 đường ngang qua đường sắt mở trái phép. Ban ATGT tỉnh phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xây dựng 600 m đường gom và hàng rào ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt, khắc phục "điểm đen" TNGT đường sắt khu vực phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp) với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Trong số các đường ngang dân sinh mới chỉ bố trí được khoảng gần chục điểm canh gác, cảnh giới nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt là rất lớn.
Theo ông Mai Văn Lam, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải, ủy viên Ban ATGT tỉnh thì về lâu dài, các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt sẽ thực hiện theo lộ trình thực hiện Quyết định 1856 ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Trong đó tập trung xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly đường sắt; xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui mới; từ năm 2011 đến 2020 sẽ xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với Quốc lộ.
Trước mắt, một giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao là mô hình "Chốt gác thanh niên" tại các đường ngang. Tại các đường này, Đoàn thanh niên lập các chốt gác từ 1 đến 2 người để cảnh giới, nhắc nhở người qua đường khi có tàu hỏa chạy qua, các học sinh không nô đùa, tụ tập trên đường sắt. Sự có mặt của màu áo xanh tình nguyện tại các đường ngang đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ TNGT đường sắt. Đặc biệt, hoạt động này đã thành nhiệm vụ thường xuyên của học sinh, sinh viên các trường nơi có đường sắt chạy qua như: Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình…
Đây là kết quả của sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh với Đoạn quản lý đường sắt Hà Ninh tại Ninh Bình, trong đó tỉnh Ninh Bình cung cấp nguồn nhân lực, hỗ trợ về kinh phí (không nhiều nhưng rất hiệu quả). Tuy nhiên, các chốt gác như thế này chưa nhiều, trong điều kiện hiện nay khi chưa lắp đặt đủ hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động thì một trong những giải pháp cấp bách đem lại hiệu quả cao là tổ chức chốt gác tại các đường ngang nguy hiểm.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa nhân rộng mô hình "Chốt gác thanh niên tự quản", đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đồng thời thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho đoàn viên, thanh niên tham gia công tác cảnh giới tại các đường ngang, góp phần đảm bảo ATGT, giảm thiểu các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Phương Nguyên