Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Năm nay, Bộ Công thương chọn chủ đề cho ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" nhằm khơi dậy những hành động thiết thực, ý nghĩa hơn của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy "Tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp" và xây dựng "Chính phủ kiến tạo và phục vụ".
Đối với tỉnh Ninh Bình, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh còn chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của từng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại.
Các hoạt động vì người tiêu dùng không chỉ được tổ chức trong tháng 3 mà sẽ khuyến khích tổ chức và thực hiện trong cả năm nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Sở Công thương đã ban hành văn bản số 141/SCT-QLTM về việc triển khai chương trình doanh nghiệp hành động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2017 chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của từng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, phổ biến về ngày Quyền của người tiêu dùng, tập trung vào các chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này.
Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đạt nhiều kết quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai kịp thời đến người dân và doanh nghiệp.
Vai trò, trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được nâng cao. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn, giải quyết kịp thời những phản ánh qua điện thoại và đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng được quan tâm.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ yếu là người tiêu dùng vừa và nhỏ, số lượng doanh nghiệp sản xuất còn ít, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Vì thế cần được nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do đã tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong nước. Vì vậy cần sớm nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để không chỉ bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn bất cập. Việc tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp khó khăn; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động này hạn chế; pháp luật còn một số điểm bất cập, chưa thật sự là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hữu hiệu.
Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng, chối bỏ trách nhiệm sau bán hàng, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết bảo hành, giải quyết khiếu nại từ phía người tiêu dùng. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người tiêu dùng biết các quyền của mình, từ đó chủ động bảo vệ khi bị xâm phạm.
Các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Để người tiêu dùng và doanh nghiệp luôn nêu cao trách nhiệm về bảo vệ quyền người tiêu dùng, ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp nên chủ động đưa các chính sách, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chính sách, chiến lược kinh doanh.
Không chỉ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tin nhiều hơn, thường xuyên hơn để người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng, tự bảo vệ mình.
Các lực lượng chức năng tăng cường giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện pháp luật về đo lường, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiện toàn, phát triển mạng lưới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng bộ phận chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) và hệ thống tư vấn hỗ trợ, giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng tại doanh nghiệp.
Theo kế hoạch của Sở Công thương, để triển khai kế hoạch "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2017, các cơ quan chức năng phối hợp thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát về nguồn gốc, xuất xứ, giá, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình. Nhanh chóng tiếp nhận và giải đáp, xử lý các thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.
Với những việc làm cụ thể, thiết thực này, cả ba phía gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sẽ nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, văn minh.
Minh Huệ