Chưa thay đổi tiêu chí trong rà soát hộ nghèo
Thôn Thạch La, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) có 153 hộ. Thực hiện kế hoạch rà soát hộ nghèo năm 2020 của huyện, bắt đầu từ ngày 25/11, Ban giảm nghèo của thôn bao gồm các lực lượng như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn và thành viên Ban giảm nghèo của xã… đã đồng loạt ra quân bắt đầu thực hiện rà soát. Đến nay, việc đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội của các hộ gia đình đã cơ bản hoàn thành.
Bà Trần Thị Thú, Trưởng thôn Thạch La cho biết: Năm nay, việc rà soát hộ nghèo vẫn áp dụng tiêu chí được quy định tại Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy, lực lượng thực hiện rà soát ở cơ sở cũng đã khá nhuần nhuyễn với nhiệm vụ của mình. Ngay khi được tập huấn tại huyện, với sự hướng dẫn của xã, thôn Thạch La đã ra quân thực hiện rà soát hộ nghèo với tinh thần tích cực, khẩn trương, nhưng cũng thận trọng, đúng đối tượng. Căn cứ vào bảng chấm điểm và đánh giá thực tiễn, cuối năm 2020 này, thôn Thạch La có 3 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 6 hộ. Đáng chú ý, 3 hộ này đều là các gia đình có lao động, nhưng gặp tai nạn rủi ro nên nhiều năm liền nằm trong danh sách nghèo của xã. Với sự khích lệ, hỗ trợ của cộng đồng và "lực đẩy" từ các chính sách thiết thực của Nhà nước, của tỉnh, các hộ gia đình đã phấn đấu vươn lên cải thiện kinh tế và ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Theo kế hoạch huyện giao, việc rà soát và niêm yết công khai kết quả ở cấp xã trên địa bàn huyện Nho Quan bắt đầu từ ngày 24/11 đến ngày 7/12. Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Do thời gian thực hiện không nhiều, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự minh bạch, chính xác cao, vì vậy xã Thạch Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức thực hiện… trong công tác rà soát hộ nghèo trên hệ thống truyền thanh ở cơ sở, lồng ghép vào các hội nghị của địa phương để mọi người dân nắm được. Đồng thời, cử những cán bộ cơ sở xóm tham gia chương trình tập huấn của huyện. Xã Thạch Bình cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban giảm nghèo của xã phụ trách các thôn… Đến thời điểm này, tất cả các thôn đã tiến hành rà soát với tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ được giao.
Năm 2020 là năm "bản lề", mở ra giai đoạn mới trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm nay đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt nên thang điểm, mức chuẩn về thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo vẫn theo các tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn 2015-2020.
Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Với phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều đã được áp dụng trong giai đoạn vừa qua sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, từ kết quả rà soát hộ nghèo sẽ có phương pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo. Nghĩa là các chính sách hỗ trợ sẽ đúng trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh ban hành các giải pháp, chính sách đặc thù để cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.
"Lực đẩy" từ các chính sách đặc thù
Trong nhiệm kỳ qua (2015-2020), trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ động lồng ghép ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác để ban hành các chính sách, đề án đặc thù, phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Điển hình như, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 140-QĐ/TU phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 56 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã có tính chất đặc thù. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp kết nghĩa đã có nhiều giải pháp, việc làm sáng tạo, thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ các xã đặc thù, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Nhiều xã đặc thù chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 140 đạt được những kết quả khá rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến nay, đã có 23 xã đặc thù đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án số 12/ĐA-UBND về xuất khẩu lao động, nhằm hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh để giảm nghèo bền vững. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 1.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, theo đó hỗ trợ đối tượng về nhóm ngành nghề do tỉnh đặt hàng đào tạo với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-BCSĐ về đổi mới tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến hết năm 2019, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở; đến hết năm 2020, phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo như: Hàng năm, trích ngân sách tỉnh bổ sung vào nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT) trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ mua BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên chưa được cấp thẻ BHYT...
Với việc thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đều qua các năm. Cụ thể là, từ 7,46% (năm 2015), giảm xuống còn 5,77% (năm 2016), 4,53% (năm 2017), 3,63% (năm 2018), 2,57% vào cuối năm 2019 và dự kiến giảm xuống còn 2% vào cuối năm 2020.
Bài, ảnh: Đào Hằng