Từ khi tái lập tỉnh đến nay, người dân đã được đón nhận nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước, của tỉnh và của huyện, đặc biệt là các chính sách dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sản xuất nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc, tỉnh và huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nông dân về miễn thủy lợi phí, hỗ trợ giá giống lúa… đồng thời tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng phù hợp với đồng đất của nhân dân Kim Sơn, nên năng suất và sản lượng lúa liên tục đạt đỉnh cao. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống được cải thiện, diện mạo khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc… Trong những năm tiếp theo, tôi mong muốn tiếp tục được tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện cải tạo, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ nông dân về giống lúa cao sản để nhân dân đưa vào thâm canh có hiệu quả.
Trần Văn Phương
(Xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn)
* Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện để TTCN phát triển
Ngoài cây lúa thì người dân Kim Sơn có nghề sản xuất hàng cói, đây là nghề truyền thống đã mang lại thu nhập và giải quyết việc làm những lúc nông nhàn cho người dân. Được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, nghề sản xuất hàng cói ngày càng phát triển và trở thành nghề mang lại giá trị sản xuất cao cho huyện. Đặc biệt, năm 2006, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến cói; thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ, đã tạo ra động lực thúc đẩy, tạo điều kiện hơn nữa để nghề tiểu thủ công nghiệp ở Kim Sơn phát triển, thích ứng với cơ chế thị trường, thu hút nhiều lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Một năm có 12 tháng thì người nông dân chỉ làm nông nghiệp 2 tháng, còn 10 tháng làm hàng cói với mức thu nhập 50.000 đồng/người/ngày. Có thể khẳng định nghề tiểu thủ công nghiệp có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên những năm gần đây người dân làm nghề gặp phải nhiều khó khăn do cơ chế thị trường, do vậy trong thời gian tới chúng tôi rất mong được sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ tỉnh và huyện để nghề chế biến cói phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân.
Trần Như Phúc
(Xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn)