Nhạc sĩ Thuận Yến, tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nhạc sĩ Thuận Yến ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam với kho sáng tác hơn 500 ca khúc. Cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Thuận Yến đã có 11 ca khúc viết về người mẹ Việt Nam ( "Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc", "Người mẹ quê tôi"…), 23 ca khúc viết về người chiến sĩ ("Mỗi bước ta đi", "Màu hoa đỏ", "Gửi em ở cuối sông Hồng"…), 24 ca khúc viết về tình yêu ( "Chia tay hoàng hôn", "Tình yêu không lời", "Khát vọng"…), 41 ca khúc về đất nước và các miền quê, 5 ca khúc về bạn bè quốc tế và 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, cho đến hiện tại, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Trong đó có những ca khúc: "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Miền Trung nhớ Bác" đã ghi danh tên tuổi Thuận Yến vào nền âm nhạc dân tộc.
Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của cố nhạc sĩ Thuận Yến, có thể thấy tên tuổi của ông gắn liền với những khoảnh khắc thăng trầm của lịch sử, trải dài theo con đường ông đi, những người ông gặp gỡ, những việc ông chứng kiến, những tâm sự, những điều ông nếm trải. Lấy cảm hứng từ người chiến sĩ cách mạng, trên mỗi bước đường hành quân, Thuận Yến đã viết nên những ca khúc hay nhất về người lính, về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc như: "Bác Hồ - một tình yêu bao la", "Vầng trăng Ba Đình", "Miền Trung nhớ Bác"… rồi những ca khúc viết về người lính như: "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Màu hoa đỏ", "Mỗi bước ta đi"… Và sau này là những bản tình ca da diết như: "Tình yêu không lời", "Khát vọng", "Chia tay hoàng hôn"… Không chỉ nổi tiếng trong ca khúc, nhạc sĩ Thuận Yến còn rất thành công với những tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp. Đó là sau khi trở lại miền Bắc theo học sáng tác Nhạc viện Hà Nội, ông đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc như: bản Sonate - "Tự nguyện", giao hưởng - "Khúc ruột miền Trung"… Điều đó càng thể hiện trình độ, tài năng âm nhạc của người nghệ sĩ.
Trong suốt chặng đường sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, Thuận Yến đã nhận được nhiều giải thưởng: "Vầng trăng Ba Đình" (Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa, 1987), "Màu hoa đỏ" (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng, 1994), "Chia tay hoàng hôn" (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam).
Nhạc sĩ Thuận Yến được nhiều người yêu mến, kính trọng không chỉ bởi tài năng mà còn ở chính cách sống giản dị, mộc mạc và tình yêu thương của ông đối với gia đình. Với người yêu nhạc Việt Nam, ít ai không biết đến câu chuyện tình đẹp của nhạc sỹ Thuận Yến với NSƯT Thanh Hương. Họ là mối tình đầu và là duy nhất của nhau. Cái tên Thuận Yến được người nhạc sĩ tài hoa sử dụng cũng bắt nguồn từ tình yêu của ông dành cho vợ mình.
Từ sáng tác đầu tay của ông có tên "Lên đường ra tiền tuyến" ông dùng tên thật của mình - Đoàn Hữu Công. Tuy nhiên, sau này, vì tình yêu thương vợ, nhạc sỹ đã dùng tên Thuận Yên là quê của NSƯT Thanh Hương làm bút danh. Tuy nhiên, khi các sáng tác của ông được vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì cái tên Thuận Yên đã bị đổi thành Thuận Yến. Kể từ đó, cái tên Thuận Yến đã gắn liền với những sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa.
Lúc sinh thời, nhạc sỹ Thuận Yến từng chia sẻ, "Chia tay hoàng hôn" là ca khúc về tình yêu khiến ông tâm đắc nhất, được viết năm 1968, vào những ngày ngắn ngủi sau đám cưới nơi chiến trường khốc liệt Thuận Yến phải chia tay vợ. Và sau này, "Chia tay hoàng hôn" chính là ca khúc góp phần đưa con gái ông - ca sĩ Thanh Lam lên ngôi "Nữ hoàng nhạc nhẹ" Việt Nam. Cái tên Thanh Lam được tạo dựng và yêu miến chính từ những: "Chia tay hoàng hôn", "Tình yêu không lời", "Khát vọng", "Đợi chờ", "Em tôi"…của cha mình.
Nhạc sĩ Thuận Yến đã đi xa sau gần một thế kỷ sống cùng âm nhạc, nhưng gia tài âm nhạc giàu có mà ông mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc Việt Nam và vẫn sống với thời gian.
Hồng Ngọc/Dangcongsan.vn