Nhạc sĩ An Thuyên sinh ra và lớn lên ở làng Kẻ Đáy, thôn Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chính quê hương - mảnh đất dân ca trù phú đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ. Từ năm 1967, nhạc sĩ An Thuyên công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An. Công việc giúp ông có điều kiện gắn bó, tìm hiểu sâu sát hơn về những làn điệu dân ca quê mình. Trong vòng năm năm, ông cùng đoàn nhạc sĩ của Viện nghiên cứu Âm nhạc đi dọc dải sông Lam, ghi chép, sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Những làn điệu đó lại càng ngấm vào người nhạc sĩ tài hoa, trở thành một phần máu thịt, để rồi một cách tự nhiên, chúng vang lên trong những sáng tác ngọt ngào, trữ tình của ông.
Ngoài 20 tuổi ông viết ca khúc "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác". Đấy là hai ngọn lửa đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của ông. Từ đó trở đi, các ca khúc đều đặn ra đời. Phần lớn sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Những ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên góp phần vẽ nên sự đẹp đẽ, nên thơ, thắm đượm tình người ở những miền quê nghèo xứ Nghệ. Hay đúng ra, ông đã đưa những chất liệu trong cuộc sống đó vào sáng tác của mình để nó đến được với mọi người. Rồi từ đó phản ánh con người, tâm hồn của nhạc sĩ - một con người dù đi suốt đời cũng không ra khỏi những điệu dân ca, dù sống ở đâu cũng đau đáu về quê hương xứ Nghệ. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ thành công khi khai thác, vận dụng vốn âm nhạc dân gian.
Trong suốt những năm làm việc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ An Thuyên đã để lại một gia tài đồ sộ, gồm nhiều ca khúc mang âm hưởng ca dao ngọt ngào như: "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Hành quân lên Tây Bắc", "Thơ tình của núi", "Chín bậc tình yêu", "Huế thương", "Neo đậu bến quê", "Ca dao em và tôi", "Chiều sông Thương"… Trong đó đều chứa đựng tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, tình yêu dành cho quê hương.
Không chỉ là nhạc sĩ có nhiều đóng góp về mặt sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên còn là người đã có nhiều công hiến trong việc quản lý, tìm kiếm, giảng dạy nhạc cho nhiều thế hệ sinh viên tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông về trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm quản lý từ năm 1991. Khi đó trường chỉ có 7 giáo viên và 11 học viên và đang đứng bên bờ giải thể với nguyên nhân là đào tạo "cái" xã hội không cần. Từ một trường Trung cấp không có phiên hiệu, tên tuổi, năm 1995, trường được lên cao đẳng và đến năm 2006 thì lên đại học, một sự nghiệp đào tạo đầy vinh quang. Gần 20 năm ông nhóm lửa rồi cùng tập thể thổi bùng ngọn lửa cho biết bao thế hệ học trò thành những tài năng, ra trường làm người lính trong dân, hoạt động văn hóa nghệ thuật xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sau này khi đã nghỉ hưu, nhạc sĩ An Thuyên vẫn đau đáu một câu hỏi: "Tại sao Văn nghệ đích thực, chính thống không có vị trí xứng đáng trong thị trường"?. Ông nhận làm giám đốc nghệ thuật cho tập đoàn Bảo Sơn, lập công ty văn hóa An Việt, rồi làm Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn làm việc rất tận tụy và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Và ông luôn giữ được ngọn lửa cảm hứng để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới trẻ trung và tình tứ: "Chú cuội chơi trăng", "Chiều sông Thương", "Vầng trăng đò đưa"…
Khi vẫn đang miệt mài làm việc với tình yêu âm nhạc cùng bao dự định chưa hoàn thành, sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ là nỗi đau, sự mất mát quá lớn đối với âm nhạc Việt Nam. Công chúng yêu nhạc và nhiều nghệ sĩ đã gửi lời chia sẻ đau buồn, tổn thất này với gia đình và nói lời biết ơn, tri ân sâu sắc với người nhạc sĩ tài hoa.Trên trang cá nhân Facebook của nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên, bạn bè, người thân, học trò và cả những nhạc sĩ, ca sĩ của làng âm nhạc Việt đã gửi lời chia buồn và bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc...
Xin vĩnh biệt nhạc sĩ An Thuyên - con người đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Dù đã ra đi nhưng những cống hiến và những ca khúc của ông sẽ còn mãi trong lòng người yêu nhạc.
P.V (Tổng hợp)