Cả 4 tác phẩm trong tập kịch "Nắng" được thẩm định, xét chọn trao giải thưởng Nhà nước về văn học của tác giả Đăng Thanh được đánh giá cao cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Đăng Thanh đã có một bút pháp khá vững tay trong thể hiện hình tượng, ngôn ngữ kịch, có bố cục chặt chẽ, xử lý một cách tinh tế các tình huống đặt ra kể cả lúc đẩy vở kịch lên cao trào.
Ở vở "Hoa Trường Sơn", Đăng Thanh đã dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.; Tại một trọng điểm trên đường Trường Sơn, giữa lúc địch phát hiện một đoàn xe của bộ đội ta chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam, bọn chúng đã huy động máy bay tập trung đánh phá ác liệt, thì Lưu một chiến sỹ lái xe, đã tách ra khỏi đoàn, bật đèn pha chạy sang một hướng khác, hút máy bay địch về phía mình, giúp cho đoàn xe vượt qua trọng điểm an toàn. Lưu bị thương khá nặng và phải nằm điều trị ở trạm y tế tiền phương do Quế phụ trách. Khi vết thương tạm ổn, Lưu tiếp tục đòi đi chiến đấu, nhưng Quế kiên quyết giữ Lưu lại vì trên đường đi công tác Chính ủy Binh đoàn sẽ ghé thăm anh. Nhân lúc Quế ra ngoài có chút việc, Lưu đã trốn đi, nhưng Quế đã kịp phát hiện và bắt Lưu trở về binh trạm. Rồi Chính ủy đến thăm anh, và thật bất ngờ, người chiến sỹ có hành vi anh hùng ấy lại là người con trai độc nhất mà do bận chiến đấu nên đã hơn mười năm ông chưa về thăm được.
Vở chèo đã được Đoàn chèo Ninh Bình dàn dựng năm 1972 và suốt những năm từ 1972 đến 1975, Đoàn đã liên tục đi phục vụ bộ đội Trường Sơn. Và đặc biệt, năm 1999, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình dàn dựng, đi dự Hội diễn toàn quốc, vở diễn và tác giả Đăng Thanh đã được Bộ VHTT tặng Huy chương vàng.
"Tình đất Mẹ" là tác phẩm có nhiều phát hiện, ngôn ngữ, hình tượng khá tiêu biểu, cách giải quyết các tình huống đặt ra logic, sức thuyết phục cao. Tác giả đã dẫn dắt từ chuyện ông bà Trang- là lão thành cách mạng, ông đã hy sinh trong chiến tranh. Anh Huy là con trai duy nhất trong gia đình, sau khi tốt nghiệp Đại học, đã từ chối mọi sự giúp đỡ của tổ chức, tình nguyện xuống vùng đất mở, giúp dân trồng cói làm giàu cho quê hương. Chị Nga, vợ Huy dựa vào công lao và uy tín của gia đình chồng, xin được một mảnh đất ở thị xã, đồng thời Nga bí mật bán nhà đất ở quê. Sự việc còn liên quan đến Hào, cũng con một gia đình cách mạng, đang sinh sống ở Điện Biên vì không chịu được gian khổ đã bỏ về xuôi sinh sống. Vào một buổi sáng tiếng chặt cây của những người mua nhà, mua đất như cắt vào từng khúc ruột của Huy, của bà Trang. Bà đã cầm roi đánh Huy, vì cho rằng anh đã hữu khuynh không biết dạy vợ, Nga đã nhận ra lỗi lầm vì việc làm của cô đã ảnh hưởng đến truyền thống và uy tín của một gia đình cách mạng, ông Vượng bố Hào tìm về quê để khuyên răn con tránh xa những việc làm sai trái, gặp lại bà Trang người bạn chiến đấu năm xưa, dưới gốc cây gạo đang giữa mùa hoa nở đỏ.
Vở này khi các Đoàn nghệ thuật dàn dựng còn lấy tên là "Hoa của Mẹ", đã được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Khuyến, năm 1985 được Đoàn chèo Hà Nam Ninh mang đi dự Hội diễn toàn quốc, vở diễn và tác giả đã được Bộ VHTT tặng Huy chương vàng.
"Đất chuyển" là một sự xung đột đẩy tới đỉnh cao của mâu thuẫn giữa lớp cán bộ cũ bảo thủ, hẹp hòi với lớp cán bộ trẻ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, hy sinh quyền lợi riêng. Đại diện cho lớp cán bộ thời kỳ bao cấp, sản xuất nhỏ lẻ đã không kịp thích ứng với cơ chế mới, tiến lên làm ăn lớn do trình độ kiến thức có hạn là Chủ nhiệm Thái từ chỗ chần chừ rồi trở thành "vật cản" trên con đường đi lên của chính Hợp tác xã mà anh đã một thời gắn bó.
Trái với Thái, Sáng một kỹ sư nông nghiệp trẻ, được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, anh đã tiến hành nhiều giải pháp tổ chức cho xã viên đi vào cách làm ăn mới phù hợp với cơ chế mới, vừa đem lại lợi ích cho Hợp tác xã, vừa cải thiện có hiệu quả đời sống người dân vốn một thời đói kém khó khăn. Mâu thuẫn đã tới đỉnh điểm khi Sáng tiến hành quy hoạch lại nông thôn, quy hoạch lại đồng ruộng, để đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, Thái phải rỡ, chuyển ngôi nhà khá bề thế khang trang đang nằm trong vùng quy hoạch chuyển vào trong làng. Câu chuyện diễn biến khá phức tạp giữa Thái và Sáng, giữa mọi người và Thái, với Sáng chỉ được giải quyết khi Hợp tác xã mạnh lên, xã viên giàu lên và đặc biệt khi ông Quỳnh, bố đẻ của Thái từ mặt trận trở về đã góp phần làm Thái thêm "sáng mắt, sáng lòng".
Năm 1976, "Đất chuyển" đã được Đoàn kịch Ninh Bình dàn dựng, được công diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong công chúng yêu nghệ thuật và vở diễn đã vinh dự được đưa vào chương trình phục vụ Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IV. "Đất chuyển" còn được Đoàn chèo Thái Bình chuyển thể và dàn dựng với cái tên "Đường hoa" , đã thu được những kết quả hết sức tích cực.
Với vở kịch "Nắng" còn có tên là "Nỗi oan người trở về" đã được nhiều Đoàn nghệ thuật như Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên dàn dựng....Vở kịch như một bản hùng ca ngợi ca những người dám đấu tranh với cái xấu, cái ác làm đau khổ, oan khuất cho những con người lương thiện, đang hàng ngày phấn đấu vì một lẽ công bằng, vì phẩm giá của một xã hội tốt đẹp. Người đi đầu trên chiến tuyến ấy là Nắng, một thanh niên lớn lên ở vùng Công giáo toàn tòng, dù còn rất trẻ nhưng đã được tín nhiệm giao trọng trách Bí thư xã Đoàn, rồi Bí thư Đảng ủy. Đó là Vũ, một thanh niên theo đạo đã có những năm tháng học phổ thông với Nắng. Nắng biết Vũ đang thầm yêu trộm nhớ cô và cô cũng rất yêu chàng thanh niên có tâm hồn, có tài năng âm nhạc, hội họa này. Nhưng vì hoàn cảnh éo le, Vũ phải vào ở nhà thờ, giúp việc cho cha đạo. Nhưng tiếng gọi thầm kín của tình yêu và nhận thấy cuộc đời ngoài kia đẹp quá, Vũ đã bỏ nhà thờ trở về ở với người anh trai. Vũ đã say sưa tham gia các hoạt động xã hội, anh còn viết một vở kịch nói, phê phán những việc làm tiêu cực của ông Đặng- Phó Chủ tịch UBND xã. Và mọi mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đây, ông Đặng ra lệnh đình chỉ vở diễn, dẹp đội văn nghệ, ngấm ngầm bắt Hưng, con rể ông Đặng, anh trai Vũ từ bỏ em mình. Từ con gái ông Đặng, vợ Hưng được ông Đặng tiếp tay buôn lậu, làm giàu bất chính, và thậm chí tha hóa ngoại tình với Cai, một phần tử xấu ở địa phương ngay trên tháp chuông nhà thờ xứ, bị Vũ rung chuông báo động, bắt quả tang nhưng ông Đặng ỉm đi không xử lý. Ông xui Hưng bán nhà bán đất đẩy Vũ ra đường, rồi tím cách gán tôi cho anh và Vũ bị bắt giam. Rồi trong những đêm dài trong nhà tạm giam ở huyện, tiếng đàn bầu của anh lại vang lên nghe ai oán, đã làm cho đồng chí Bí thư Huyện ủy không ngủ được phải chạnh lòng. Vào thời điểm khó khăn ấy, Nắng và đông đảo người dân xóm đạo đã lên huyện kêu oan cho anh và tố cáo gia đình ông Đặng đã làm nhiều việc sai trái, Vũ được minh oan trở về. Giữa lúc anh đang hoang mang định trở lại nhà thờ, thì Nắng đã giang tay đón anh trong tình yêu thương cùng với xóm làng...
Cụm tác phẩm trên đã đưa tác giả Đăng Thanh đạt tới đỉnh vinh quang, được xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học. Lần đầu tiên có một tác giả trong giới văn học nghệ thuật tỉnh được đón nhận phần thưởng cao quý đó. Đây là kết tinh của chặng hành trình gần nửa thế kỷ miệt mài, sáng tạo trong lao động nghệ thuật của nghệ sỹ, nhà viết kịch Đăng Thanh. Những kịch bản sân khấu trong cụm tác phẩm trên được đánh giá cao cả về nội dung, nghệ thuật, được hàng chục đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh dàn dựng, được ghi băng và phát sóng nhiều lần trên Đài tiếng nói Việt Nam, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới văn nghệ và công chúng yêu nghệ thuật trong cả nước.
Nhà viết kịch Đăng Thanh sinh năm 1940 tại thôn Hồng Thái, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Vùng quê êm đềm này còn là cái nôi của những làn điệu chèo, hát chầu văn đời nối tiếp đời, đã lưu danh nhiều thế hệ nghệ sỹ trong lịch sử phát triển của nền văn hóa, văn nghệ quê hương. Đăng Thanh đến với con đường lao động nghệ thuật khi tuổi đời còn khá trẻ, chưa đầy 20 tuổi. Ngoài những thành tựu đạt được trên cương vị là diễn viên, đạo diễn, quản lý, lãnh đạo ngành, ông còn là tác giả của trên 30 kịch bản sân khấu, hàng trăm tiểu phẩm, hoạt cảnh, kịch ngắn giành cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội văn nghệ các ngành, các địa phương.
Nhiều kịch bản sân khấu của nhà viết kịch Đăng Thanh khi được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, công diễn đã có không ít tác phẩm được tặng huy chương vàng tại các hội diễn khu vực, hội diễn toàn quốc. Và có lẽ không nhiều tác giả địa phương lại có tác phẩm được các đoàn nghệ thuật có tên tuổi ở Trung ương, địa phương lựa chọn dàn dựng.
Ở Đăng Thanh, với hơn 5 thập kỷ hoạt động và cống hiến cho nghệ thuật, đã thể hiện chân giá trị của một nghệ sỹ được tôi luyện từ trong thực tế sáng tạo và lao động hết sức mình vì nghệ thuật. Đăng Thanh đã tốt nghiệp Khoa sáng tác, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh với một luận án xuất sắc, với tấm bằng loại giỏi. Dù vừa làm, vừa học nhưng Đăng Thanh đã khẳng định được năng lực nghệ thuật, khả năng quản lý ngành trên mọi bình diện. Và từ thời điểm sau khi ra trường, ông lần lượt được giao trọng trách phó rồi Trưởng phòng văn nghệ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam Ninh và sau ngày tái lập tỉnh năm 1992 là Giám đốc Sở VHTT, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình cho đến ngày về nghỉ chế độ.
Bản thân Đăng Thanh có trên 30 năm tuổi Đảng, được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, VHNT và hàng chục Huy chương do các ngành trao tặng trong hoạt động nghệ thuật, Đăng Thanh đã 5 lần được tặng Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc cùng nhiều danh hiệu nghệ thuật cao quý khác, 2 lần được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Khuyến, 5 lần được tặng giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu và một số giải của Ủy ban toàn quốc các Hội LH VHNT Việt Nam, của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
Lê Liêu