Nhà văn Vũ Thanh Lịch và vở cải lương "Phận má đào"
Thứ Ba, 24/11/2020, 06:45
Zalo
Vừa qua, vở cải lương "Phận má đào" được Nhà hát cải lương Hà Nội biểu diễn nhiều đêm tại Hà Nội và các địa phương trong tỉnh Ninh Bình, đã gây sự chú ý của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, trở thành một sự kiện văn hóa đáng chú ý. Phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thanh Lịch - tác giả kịch bản "Phận má đào" để hiểu hơn về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm trong kịch bản này.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch và vở cải lương "Phận má đào"
Phóng viên (PV):Thưa nhà văn Vũ Thanh Lịch, những năm qua, chị có khá nhiều tác phẩm văn nghệ được đánh giá cao, với nhiều giải thưởng lớn của Trung ương và địa phương. Chị có thể điểm qua một vài tác phẩm nổi bật?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Thực ra tôi không có nhiều giải thưởng. Ở tỉnh, tôi có 1 giải B giải thưởng văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu năm 2016. Năm 2015, tập truyện "Đi qua đồng cói" của tôi được nhận giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 2019, truyện ngắn Nhà Thánh của tôi được tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019).
Đây là những tràng pháo tay cho tôi tự tin vững bước trên hành trình sáng tạo chứ không phải là mục đích tôi hướng đến.
PV: Vậy mục đích mà chị hướng đến là gì?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Tôi có thể không chia sẻ điều này, nhưng tôi đang nỗ lực thực hiện ước mơ có tác phẩm sống được trong lòng bạn đọc, đi theo bạn đọc qua thời gian và không gian.
Tất nhiên, tôi biết mình còn phải cố gắng nhiều lắm mà không biết khi nào mới chạm tới điều mơ ước ấy. Thôi thì cứ viết đã...
PV: Vừa qua, kịch bản vở cải lương "Phận má đào" nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả Trung ương và địa phương, chị có thể cho biết hoàn cảnh sáng tác của kịch bản này?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Tôi làm việc ở ngành Văn hóa, lại được giao trực tiếp phụ trách mảng quản lý di sản nên có cơ hội tiếp cận và lưu giữ các thông tin về lịch sử, văn hóa, con người ở mảnh đất cố đô.
Do đặc thù công việc và đam mê cá nhân, tôi mong muốn chia sẻ những thông tin mình có được để thêm nhiều người biết hơn. Và khi có nhiều người biết thì việc chung tay bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử mà thế hệ trước để lại sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Mảnh đất Ninh Bình của chúng ta lưu giữ một trữ lượng lịch sử văn hóa khá dày dặn, tuy nhiên sau hơn 1000 năm không còn là kinh đô, những dấu ấn xưa đã mai một nhiều. Việc chuyển tải những giá trị văn hóa, lịch sử, con người đến thế hệ hiện tại và tương lai càng lúc càng khó khăn, trong khi đó văn chương nghệ thuật là một trong những kênh lưu giữ và truyền tải khá tốt. Tôi lại biết viết văn, nên khi chạm đến nhân vật nào nhiều cảm xúc, nhiều chất liệu, có sự cộng cảm, khơi mở tư duy là tôi chắt chiu đưa vào tác phẩm.
Tôi viết truyện ngắn Má đào khá nhanh, được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương tháng 3 năm 2017 và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Năm đó, truyện Má đào được trao Tặng thưởng Sông Hương, thôi thúc tôi mạnh dạn thử bút, chuyển thể thành kịch bản văn học.
Một cảnh trong vở cải lương "Phận má đào".
PV: Chị được biết đến là người có sở trường về truyện ngắn, tản văn, nhưng thời gian gần đây lại thử bút ở lĩnh vực hoàn toàn mới như kịch bản sân khấu. Vậy lý do là gì?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Sáng tạo nghệ thuật vốn là con đường đầy thách thức, còn người viết thì luôn khát khao chinh phục các thử thách, vậy nên việc tôi thử bút cũng là cuộc đánh đố mình, như tự đặt ra các chướng ngại vật rồi tìm cách vượt qua.
P.V: Vở diễn lấy bối cảnh vương triều nhà Đinh ở kinh đô Hoa Lư, qua vở diễn, chị muốn gửi thông điệp gì đến khán giả?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Như đã nói ở trên, ý định ban đầu của tôi là muốn có thêm nhiều người biết đến các nhân vật lịch sử trên đất Ninh Bình, đặc biệt là Cố đô Hoa Lư, bằng nhiều cách truyền tải khác nhau.
Tuy nhiên, kể cả khi viết truyện đến khi chuyển thể thành kịch bản văn học, các nhân vật đều cho tôi những liên tưởng, cảm xúc và tư duy khác nhau. Tôi nhận ra thân phận của nàng công chúa con gái nhà vua, rộng hơn nữa là thân phận của những người phụ nữ trong cung, họ ở trên ngôi cao, được người đời ngưỡng vọng kính nể nhưng cuộc sống không dễ dàng gì. Suy cho cùng, mỗi bổn phận người ở mỗi ngôi vị đều có cả vinh quang và khó nhọc. Vinh quang càng lớn, khó nhọc càng nhiều, ai biết vượt qua, ai biết hy sinh, ai biết vì nghĩa lớn thì đều đáng được tôn vinh.
Vương triều nhà Đinh là vương triều đầu tiên của nước ta sau nghìn năm Bắc thuộc, vậy nên trách phận đè nặng không chỉ trên vai nhà vua mà còn trên vai của mọi thành viên hoàng tộc. Bỏ qua những vấn đề đại sự quốc gia, mỗi cá nhân ai cũng khao khát một gia đình ấm êm hạnh phúc, không cha mẹ nào muốn con vất vả khổ cực, không vợ - chồng nào muốn bạn đời của mình phải buồn đau, nhưng đứng trước lựa chọn cá nhân và quốc gia dân tộc thì mọi riêng tư đều phải gác lại. Nhờ có những cá nhân biết gác lại tình riêng ấy mà số đông chúng ta được an bình.
Khơi thức những mạch ngầm trong vương triều xưa với những cái tên còn khắc ghi trên mảnh đất Hoa Lư này, không chỉ để chúng ta tôn vinh, trân quý, mà còn để cúi đầu nhìn xuống chân mình mà bước đi không lạc lối.
PV: Chị có dự định mới gì để tiếp tục sáng tác các tác phẩm nghệ thuật trong thời gian tới?
Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Khát vọng được sáng tác và sáng tác được lúc nào cũng tràn đầy trong huyết mạch mỗi nhà văn, trong đó có tôi.
Chất liệu sống, chất liệu văn hóa - lịch sử của vùng đất Ninh Bình mà tôi và các bạn đang sống đây thì vô cùng phong phú. Vậy nên, chắc chắn tôi sẽ còn khai thác được nhiều đề tài cho nhiều tác phẩm nữa. Còn cụ thể là gì thì tôi sẽ công bố khi hoàn thành nhé! Coi như đó cũng là một bến hẹn cho chính tôi và các độc giả yêu quý của tôi.