Nhà văn Hồ Anh Thái sinh năm 1960 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ông ở Nghệ An. Ông tốt nghiệp đại học ngành Quan hệ quốc tế và sau đó làm việc tại Bộ Ngoại giao, từng công tác tại nhiều quốc gia Âu-Mỹ và đặc biệt có khoảng thời gian làm việc tương đối lâu tại Ấn Độ.
Hồ Anh Thái thông thạo ngoại ngữ, đã tốt nghiệp bằng tiến sỹ về Văn hóa Phương Đông nên ngoài vai trò một nhà ngoại giao, ông là một giảng viên, một nhà ấn Độ học, Đông Phương học.
Với nền tảng học vấn vững chắc, cộng với công việc của một nhà ngoại giao đã giúp nhà văn họ Hồ có điều kiện tích lũy vốn sống và sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị: Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998); Tự sự 265 ngày (2001); Cõi người rung chuông tận thế (2002); Bốn lối vào nhà cười (2005); Mười lẻ một đêm (2006); Đức Phật, nàng Sivitri và tôi (2007); Namaskar! Xin chào ấn Độ (2008); Hướng nào Hà Nội cũng sông (2009); SBC là săn bắt chuột (2011)…
Hồ Anh Thái khởi nghiệp viết văn từ rất sớm và gây sự chú ý bởi những tác phẩm có cách viết mới lạ, giọng điệu riêng: Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987); Người đàn bà trên đảo (1988); Trong sương hồng hiện ra (1990), tuy nhiên dấu ấn thực sự, ghi dấu tên tuổi ông với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp phải kể đến những tác phẩm viết khoảng những năm 2000 như: Cõi người rung chuông tận thế, Bốn lối vào nhà cười, Mười lẻ một đêm…
Những tác phẩm này ngay khi ra đời đã thu hút sự chú ý rộng rãi của bạn đọc cũng như giới phê bình bởi tính độc đáo của nó. Tính độc đáo trong văn phẩm Hồ Anh Thái có thể phân tích từ nhiều góc độ như: cấu trúc tác phẩm, đề tài, ngôn ngữ… tuy nhiên dấu ấn rõ nhất chính là giọng điệu tác phẩm không lẫn với bất cứ tác giả nào.
Cùng thời với nhà văn, trong khi Nguyễn Huy Thiệp thành công với giọng điệu khinh bạc, Phạm Thị Hoài thiên về lối viết sắc lạnh vừa tỉnh táo vừa chua cay thì Hồ Anh Thái rất đặc trưng với giọng hài hước, giễu nhại. Những nhân vật của Hồ Anh Thái tạo ra luôn luôn có những phức tạp và góc cạnh trong tính cách và đậm chất hài hước.
Nhân vật họa sỹ Chuối Hột trong truyện Mười lẻ một đêm vừa dị hợm, lố bịch, buồn cười. Gã nghệ sỹ này có một sở thích quái đản là trồng cây chuối trong tình trạng khỏa thân "người bóng nhẫy, trắng lôm lốp như cây chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở quãng lưng chừng trời".
Nhân vật bà mẹ dị hợm, thích phiêu lưu tình ái, ham tiền bạc, bà đã qua năm đời chồng và vô vàn những cuộc tình chớp nhoáng nhưng điều quan trọng nhất với bà là sau năm lần ly dị bà được năm cái nhà và: "Người chồng thứ năm khá nhất, giáo sư viện trưởng, căn hộ chung cư chất lượng cao". Oái oăm ở chỗ những cuộc tình của người mẹ đều diễn ra dưới mắt đứa con gái, đến độ cô bé phải thốt lên kết luận khá buồn cười: "Mẹ ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được".
Ngoài ra Hồ Anh Thái còn tạo ra nhiều nhân vật đậm cá tính: một gã thanh niên tên Bóp, sống văng mạng, thú vui bệnh hoạn của hắn là bóp chết một thứ gì đó đúng như tên gọi của hắn.
Một vị giáo sư mắc chứng: "chỉ bật lên tiếng cười thôi thì cứ thế cười mãi. Không sao hãm lại được. Hơ hơ hơ. Mãi. Chập dây thần kinh cười". Có lần hướng dẫn luận văn cho một nữ sinh, ông cứ nắm lấy đùi cô. Cô xin phép về. Thầy vẫn nắm đùi cô. Thầy cười, chuỗi cười bất tận.
Có thể nói chính thế giới nhân vật vừa méo mó vừa hoạt kê đã làm nên sức hấp dẫn cũng như tiếng cười trong văn chương Hồ Anh Thái. Nhiều nhà phê bình văn học đã nhận định, văn chương Việt Nam, bao nhiêu năm sau khi Vũ Trọng Phụng mất, lại mới xuất hiện một cây bút với giọng điệu trào phúng hóm hỉnh đến thế.
Điểm đáng quý là ở chỗ nhà văn xây dựng những nhân vật và tính cách có phần hài hước, châm biếm nhưng về cơ bản các nhân vật của ông không mất lòng tin ở cuộc đời mà biết chấp nhận nó và phần nhiều hướng thiện. Đó chính là cái tâm của nhà văn và giá trị tích cực của tác phẩm đù được viết với giọng giễu nhại.
Nhà văn gốc Nghệ An không chỉ nổi tiếng trong nước mà tác phẩm của ông còn được dịch ra hơn 10 thứ tiếng. Tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế (2002) của ông sau khi đã được in và tái bản hơn vạn cuốn ở trong nước đã được NXB Đại học Tổng hợp Texas phát hành dưới dạng cả sách in lẫn sách điện tử trong toàn bộ hệ thống hiệu sách toàn quốc, trên mạngamazon.comvà hệ thống các trường đại học trong và ngoài nước Mỹ. Các sinh viên và các nhà nghiên cứu Mỹ sử dụng làm tư liệu nghiên cứu, giảng dạy.
Nhận định về Hồ Anh Thái, tạp chí phê bình sáchForeWord(Mỹ) viết: "Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái vẽ lên một bức tranh cảm động về xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Bàn tay tác giả xử lý những đề tài nặng nề có đủ độ tinh tế để khiến người đọc nhầm tưởng rằng nó thật giản dị", tại nước Anh sách của ông cũng nổi tiếng không kém.
Tạp chí Banipal (tạp chí văn học Anh mỗi năm ra ba kỳ, gồm 256 trang, do Hội đồng Nghệ thuật Anh (Arts Council England) cung cấp kinh phí, trong số ra đặc biệt kỷ niệm 15 năm ngày tạp chí ra đời, ngoài tác phẩm và các chuyên mục thường xuyên, có hai nhà văn thuộc diện khách mời (guest writer) là nhà văn Romania Vasile Baghiu và nhà văn Việt Nam Hồ Anh Thái.
Ngoài vinh dự trên nhà văn này còn thành công đặc biệt khi sáng tác về đề tài Ấn Độ: Người đứng một chân, Người ấn, tiếng thở dài qua rừng kim tước… Nơi mà ông cho rằng đây là một đại dương văn hóa thỏa sức cho trí tưởng tượng của mình ngụp lặn.
Tác phẩm của Hồ Anh Thái khi in ra được chính người đọc Ấn Độ tiếp nhận một cách thích thú. Không phải ngẫu nhiên mà học giả K.Pandey, tiến sĩ văn học người ấn, đã coi đó là "những mũi kim châm cứu á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ", khiến họ đã "nhìn thấy đúng cái bóng đang quẩn dưới chân mình".
Với những thành công vang dội cả trong và ngoài nước như vậy, năm 2000, Hồ Anh Thái được đông đảo các bạn viết tôn vinh và bầu giữ chức Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.
Hồ Anh Thái là một cây bút hết sức chuyên nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật. Hàng ngày ông đều đặn ngồi vào bàn viết và lao động một cách nghiêm túc chứ không viết theo kiểu "ngẫu hứng" như nhiều người.
Nếu nhìn vào số liệu năm xuất bản sách của ông sẽ thấy rõ hầu như mỗi năm Hồ Anh Thái đều cho ra đời một cuốn sách và hiện ông đã có hơn 30 đầu sách được in ra.
Với một nhà văn trẻ, lại là một nhà ngoại giao luôn bận rộn, sức bút ấy quả là phi thường. Và bạn đọc cũng chờ đợi những tác phẩm ra đời trong tương lai của ông. Và lần này là những sáng tác về đề tài mới lạ: xứ sở Ba Tư-quê hương của những câu chuyện kể nổi tiếng: ngàn lẻ một đêm.
Mai Phương