"Cỏ lạ đường thôn" là một vở diễn với thể tài hiện đại về đề tài xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa trí thức trẻ về xây dựng nông thôn. Kịch bản do nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh chấp bút, NSND Lê Hùng và NSUT Nguyễn Quang Thập đồng đạo diễn, âm nhạc do NSUT Hạnh Nhân đảm nhiệm.
Theo lãnh đạo Nhà hát Chèo Ninh Bình, không phải ngẫu nhiên Nhà hát chèo Ninh Bình lại chọn vở diễn này để tham dự hội thi. "Cỏ lạ đường thôn" đã chọn một đề tài hiện đang rất "nóng", đó là vấn đề trí thức trẻ xây dựng nông thôn mới. Đây là một vở diễn có tính "luận đề" rất rõ ràng, với một kịch bản như vậy xác suất thành công và thất bại là 50/50.
Điều này đặt ra thử thách khả năng đạo diễn của NSND Lê Hùng và NSUT Nguyễn Quang Thập bởi nếu thành công đây sẽ là vở diễn đạt được mục tiêu chính trị và nghệ thuật rất cao; tuy nhiên ở chiều ngược lại, vở diễn rất dễ sa vào việc minh họa chính trị một cách khô khan và không tránh khỏi khiên cưỡng.
Do vậy việc tạo ra những "nút thắt" trong xung đột kịch, những cách giải quyết vấn đề sao cho việc tuyên truyền trở nên mềm mại, có tính nghệ thuật hấp dẫn người xem là cả một thử thách.
Cũng theo NSUT Nguyễn Quang Thập, để tránh những tác dụng ngược chiều không mong muốn, kịch bản "Cỏ lạ đường thôn" không đẩy vấn đề đối kháng trong hệ thống các nhân vật lên thành "bi kịch", không khai thác mặt trái của vấn đề xây dựng nông thôn mới mà chủ yếu nhấn mạnh điểm tiến bộ trong tiến trình này.
Nhân vật kịch bản là trí thức trẻ, những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với công cuộc cải cách hành chính, với khát vọng giúp quê hương giàu có, giúp người nông dân thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, làm dịch vụ, từng bước làm giàu trên chính đồng đất quê.
Trong vở diễn này, đạo diễn Nguyễn Quang Thập mạnh dạn trao vai diễn cho diễn viên trẻ Nguyễn Thị Ngọc Anh thủ vai (nhân vật Sen). Một vai được cho là rất khó diễn. Ngọc Anh là người từng giành Huy chương vàng cuộc thi "Tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2014", với lối diễn mới, giàu khả năng biểu cảm, cô được kỳ vọng sẽ đưa lại những hiệu ứng mới cho khán giả. Bên cạnh vai chính Ngọc Anh, còn sự góp mặt của NSND Mai Thủy, các diễn viên gạo cội Bá Toản, Quốc Trị, Mai Hiên... được cho là sẽ làm gia tăng thêm sức nặng và điểm mới cho tác phẩm "Cỏ lạ đường thôn".
Đối với vở "Lưu Bình trả nghĩa", đây là vở chèo dựa trên một tích truyện truyền thống về tình bạn cao cả giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Kịch bản vở "Lưu Bình trả nghĩa" do NSND Chu Văn Thức viết lời, NSUT Ngọc Minh đạo diễn và NSUT Hạnh Nhân viết nhạc. Kịch bản câu chuyện không đi sâu khai thác phần nội dung truyền thống của câu chuyện mà hướng đến phần "hậu" Lưu Bình và Dương Lễ.
Tức chuyện của đôi bạn này vào 30 năm sau khi cả hai đã đỗ đạt và ra làm quan. Tích truyện "hậu Lưu Bình - Dương Lễ" trên không mới nhưng theo NSUT Nguyễn Quang Thập, "hiện chưa có Nhà hát Chèo nào dựng vở, khai thác tích truyện theo hướng này".
Khác với "Cỏ lạ đường thôn", vở "Lưu Bình trả nghĩa" là vở chèo cổ, những nhân vật trong tích truyện được nhiều lớp diễn viên đi trước thể hiện dường như đã trở thành một thứ "hình tượng mô phạm" quen thuộc rất khó thay đổi trong tâm thức người xem. Do vậy việc dựng vở phải làm sao để dù "diễn tích cũ" nhưng vẫn phải tạo được "cảm xúc mới" cho khán giả.
Chia sẻ về vấn đề này, NSUT Nguyễn Quang Thập cho rằng, để tránh lối diễn khuôn sáo, nệ cổ, vở diễn sẽ không sa đà vào cách mô thức biểu hiện truyền thống mà thiên về lối diễn hiện đại.
Trong đó, trình thức vở từ hát, diễn, các tiết tấu được đẩy nhanh cho phù hợp với hoàn cảnh của kịch. Mặc dù kịch bản của vở là tích cổ nhưng đạo diễn đã khéo léo đưa nhiều tình tiết có tính chất "gợi mở" vào các hành động, lời thoại của các nhân vật nhằm tạo liên tưởng cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện đại, tăng sức hấp dẫn của vở diễn.
Vở "Lưu Bình trả nghĩa" là một vở khó, do vậy các diễn viên thủ vai sẽ ưu tiên những người có kinh nghiệm và đã trải qua các kỳ hội diễn lớn, như Bá Toản (vai Lưu Bình), Huyền Diệu (vai Công chúa), Anh Tú (vai Phò Mã), Đỗ Thành (vai Vua), Đỗ Lý (vai Châu Long)...
Hội diễn lần này có 16 đoàn tham gia, mỗi đoàn có trung bình từ 2-3 vở. Như vậy sẽ có khoảng 40-50 vở sẽ được trình diễn nhưng số lượng giải thưởng có hạn, do vậy sự cạnh tranh giữa các nhà hát là rất cao.
Ngoài ra, do xác định đây là một cuộc thi, nên nhiều đoàn đã đầu tư rất lớn, từ kịch bản, đạo diễn, âm nhạc đến thiết kế sân khấu, phục trang... và cho diễn viên luyện tập trong thời gian hàng năm, do đó, những đoàn có suất đầu tư thấp sẽ gặp khó khăn trong sân chơi lớn này.
Đối với Nhà hát chèo Ninh Bình, đơn vị cũng đã chuẩn bị các vở diễn cho hội thi này một cách tương đối bài bản. Theo đó, mỗi vở cả ê kíp (đạo diễn, diễn viên, họa sỹ thiết kế sân khấu) có khoảng 2-3 tháng làm việc. Trong điều kiện kinh phí dựng vở còn eo hẹp, tập thể nghệ sỹ diễn viên vẫn đang nỗ lực hết sức mình tập luyện với mong muốn sẽ đạt được kết quả tốt tại hội thi.
Tuy nhiên NSUT Nguyễn Quang Thập cũng cho rằng: "Đây là hội diễn nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp nên tính cạnh tranh rất cao. Không một Đoàn nghệ thuật nào không đặt quyết tâm cho vở diễn của mình, do vậy sức ép với các nghệ sỹ diễn viên là cực kỳ lớn..."
Mai Phương