Gặp chúng tôi, được nhắc lại những kỷ niệm thời làm Báo, ông hồ hởi hẳn lên. Buổi tối vợ ông nhắn tin cho tôi: Hôm nay chú vui lắm… Và tôi hiểu, trong ông, nghề báo vẫn còn những duyên nợ. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Ninh Bình ra số đầu, xin giới thiệu cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà báo Trần Phượng- người đã đảm nhiệm vai trò Tổng Biên tập Báo Ninh Bình từ sau ngày tái lập tỉnh Ninh Bình đến tháng 3/2006.
P.V: Xin chào ông, Báo Ninh Bình đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày ra số báo đầu, xin ông cho biết cảm xúc của ông lúc này như thế nào?
Nhà báo Trần Phượng: Tôi rất vui vì Báo Ninh Bình đã đi qua một chặng đường khá dài, đồng hành cùng quê hương, đất nước cả trong thời chiến cũng như thời bình với rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang. Tôi cũng rất tự hào vì đã một thời gắn bó, cùng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình viết tiếp những trang sử vẻ vang của tờ báo, góp phần làm cho tờ báo không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin của đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
P.V: Trong cuộc đời công tác của mình, nghề báo với ông có ý nghĩa như thế nào?
Nhà báo Trần Phượng: Đầu năm 1969, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi chính thức được nhận về làm việc tại Báo Hà Giang. Khỏi cần nói mọi người cũng có thể hình dung những khó khăn, vất vả khi làm báo ở một tỉnh vùng cao biên giới, địa hình hiểm trở, nhìn đâu cũng chỉ thấy mây và núi; đời sống bà con các dân tộc vô cùng khó khăn; phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất hết sức lạc hậu…
Với sức trẻ đôi mươi, chưa có "mảnh tình vắt vai" tôi được Ban Biên tập giao theo dõi địa bàn huyện Vị Xuyên. Tôi hào hứng với những chuyến vượt đèo, lội suối, ngày đi đêm viết, cắm chốt tại huyện, tại bản…
Ban đầu chỉ là theo dõi 1 huyện, sau 3 năm, tôi được Ban Biên tập phân công viết tin, bài ở 4 huyện khó khăn nhất là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Do đường sá đi lại khó khăn, cách xa trung tâm tỉnh nên mỗi huyện tôi đều được bố trí 1 phòng để ở và làm việc, tin bài gửi qua đường công văn, cuối tháng mới về cơ quan họp giao ban 1 lần…
Công tác tại Báo Hà Giang được 8 năm. Năm 1977 tôi được điều về công tác tại Tạp chí Xây dựng Đảng, sau đó 1 năm lại được tăng cường lên làm Bí thư Huyện đoàn Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), đó cũng là thời điểm chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra với rất nhiều hiểm nguy và gian khổ.
Năm 1982, tôi được rút về, tiếp tục công tác tại Tạp chí Xây dựng Đảng, đến năm 1989 thì được điều về làm Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam Ninh.
Khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Ninh Bình. Tháng 3/2006 tôi được điều về làm Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đầu năm 2010 được về nghỉ chế độ hưu trí.
Như vậy, với hơn 40 năm công tác, tôi đã có 32 năm làm báo. Nếu như những năm tháng công tác tại Báo Hà Giang đã giúp tôi hiểu ra lý tưởng sống của mình, từ đó học cách vượt khó, có thêm vốn sống để trưởng thành, để quyết định dấn thân với nghề thì thời gian công tác tại Tạp chí Xây dựng Đảng giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm báo, đặc biệt là kinh nghiệm viết về vấn đề xây dựng Đảng cũng như yêu cầu của một tờ báo Đảng, từ đó giúp tôi hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo của một cơ quan báo Đảng địa phương sau này.
P.V: Vậy, nói đến nghề báo, ông nhớ nhất điều gì?
Nhà báo Trần Phượng: Nhớ thì nhớ rất nhiều nhưng ngẫm lại tôi thấy mình may mắn khi đã chọn nghề báo để theo đuổi gần hết những năm tháng trong cuộc đời. Nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm, làm giàu thêm vốn sống, học được nhiều cái hay, cái đẹp và luôn phấn đấu làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi trân trọng nghề báo, yêu từng mẩu tin, tấm ảnh, bởi ở đó chứa đựng mồ hôi, công sức và nhiệt huyết của người làm báo.
Tới giờ tôi vẫn nhớ và giữ cái tin đầu tiên được đăng báo, đó là tin viết về phong trào làm thủy lợi của xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) nó chỉ vỏn vẹn khoảng 300 chữ nhưng lại có ý nghĩa khích lệ tôi rất nhiều trong suốt những năm làm báo sau này. Tôi cũng vẫn còn giữ cả những bài báo từng đạt giải báo chí và coi đó là hành trang quý giá trong cuộc đời mình… Tôi thấy, nghề báo tuy không giàu về tiền bạc nhưng lại giàu về tình cảm, tri thức và được xã hội trân trọng.
P.V: Khi làm lãnh đạo cơ quan báo chí, ông coi trọng nhất vấn đề gì?
Nhà báo Trần Phượng: Tôi luôn đặt vấn đề nâng cao chất lượng báo lên hàng đầu. Muốn vậy, báo phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, bám sát thực tiễn cuộc sống để xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho đúng, trúng. Trên cơ sở đó, phân công phòng, phân công phóng viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn tổ chức thực hiện. Tùy từng thời kỳ, giai đoạn thì tổ chức lấy ý kiến bạn đọc góp ý xây dựng báo, từ đó nắm được những điểm mạnh cần phát huy; điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp.
Cùng với đó, phải quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt huyết với nghề để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Bởi nghề báo cần sự dấn thân, sự nhanh nhạy và tính độc lập tương đối trong quá trình tác nghiệp; nếu ngại đi cơ sở, ngại khó khăn gian khổ thì không thể khẳng định được bản thân với nghề.
Ngoài ra, Ban Biên tập cũng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên mạnh-họ chính là cánh tay nối dài góp phần làm cho tờ báo phong phú, đa dạng và gần gũi hơn với bạn đọc. Thực tế cho thấy, có những cộng tác viên đảm nhiệm những mảng, những lĩnh vực tuyên truyền rất sâu, rất kịp thời, vì vậy rất cần tạo sự phối hợp, gắn kết với họ.
P.V: Ông có cảm nhận gì về Báo Ninh Bình hiện nay?
Nhà báo Trần Phượng: Tuy đã nghỉ hưu được hơn chục năm nhưng tôi vẫn luôn dõi theo bước phát triển của Báo. Phải nói báo đã có những bước tiến dài và sự khởi sắc đáng mừng, nội dung tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, hiệu quả thiết thực; hình thức trình bày ngày càng đổi mới.
Báo in có nhiều ấn phẩm, xuất bản 6 ngày trong tuần, lượng phát hành lớn, đa dạng đối tượng bạn đọc. Chất lượng in ấn đẹp. Báo điện tử cũng đã phát huy tác dụng trong thời đại 4.0 với giao diện đẹp, đưa tin nhanh, nhiều chuyên mục nổi bật... Chất lượng tin, bài, ảnh cũng được nâng lên. Nhiều bài viết sâu, đi đúng trọng tâm, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các loại hình báo chí và mạng xã hội hiện nay đòi hỏi đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới cách làm, cách viết làm cho tờ báo chất lượng hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn. Tin, bài nên ngắn gọn, súc tích, chú trọng tuyên truyền các điển hình nhân tố mới, bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, những thói hư, tật xấu trong xã hội. Ảnh cũng phải đẹp, có tính chính trị, tính nghệ thuật hơn. Báo in cần có thêm các chuyên mục nhỏ phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc.
P.V: Ông muốn nói điều gì với thế hệ làm báo Ninh Bình hôm nay?
Nhà báo Trần Phượng: So với trước, đội ngũ người làm báo Báo Ninh Bình hôm nay có rất nhiều thuận lợi với môi trường tác nghiệp rộng mở, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để người làm báo có thể sống được bằng nghề. Báo cũng được bổ sung đội ngũ làm báo trẻ, đào tạo cơ bản, cùng với đó là sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin cũng như các thiết bị hiện đại khác như máy tính, máy ảnh số, mạng internet…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy có rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học hỏi để nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới báo chí.
Tôi tin, với truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ người làm báo Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục đoàn kết vượt qua khó khăn, xây dựng tờ báo ngày càng phát triển, giữ vững vai trò là cầu nối tin cậy giữa Đảng với nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu mạnh.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trang Nhung (thực hiện)