Đọc nhiều, hỏi nhiều, ghi chép nhiều để viết đúng, viết trúng, rồi phấn đấu viết tốt, làm ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng, "găm" được vào trái tim bạn đọc. Thế nhưng đến khi tưởng như mọi việc trơn chu rồi thì nhà báo lại gặp phải những khó khăn khi không hiểu kiến thức chuyên sâu mỗi lần thay đổi lĩnh vực, đề tài cần viết.
Gần 10 năm làm báo, quãng thời gian chưa phải là dài nhưng cũng không phải còn non nớt đối với nghề báo. Quãng thời gian ấy cũng đủ để cho tôi viết được những bài báo "ghi điểm" với bạn đọc và tự thỏa mãn với chính mình. Cứ nghĩ nghề báo với mình có lẽ sẽ gắn bó suốt đời với những đề tài xã hội nên đến khi chuyển sang theo dõi lĩnh vực kinh tế, tôi thực sự ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi đây không phải là thế mạnh của mình và ngỡ ngàng bởi những kiến thức chuyên ngành kinh tế mà mình không có. Đối với lĩnh vực kinh tế, tôi như một người mới vào nghề không hiểu biết thế nào là "cơ cấu mùa vụ", "cơ cấu giống", "lũy kế", "thuế và phí", "tính thanh khoản trong các Ngân hàng"…
Nếu như cách đây 7 năm khi mới bước vào nghề có lẽ tôi đã hăm hở lao vào lĩnh vực mới nhưng khi đã có một hành trang nhất định cho nghề báo tôi không cho phép mình "dễ dãi" với nghề. Tôi không muốn mình cứ viết mãi những bài báo kiểu như "cưỡi ngựa xem hoa" mà phải có những dấu ấn nhất định. Bởi thế tôi đề ra cho mình một chiến dịch đọc và học. Trong mấy tháng đầu dường như tôi chỉ ngồi nhà đọc những thông tin về kinh tế. Tôi đi cơ sở rất nhiều nhưng về hầu như không viết gì vì không hiểu hết những điều mà cơ sở cung cấp. Với lợi thế là có nhiều bạn bè làm báo tôi gọi điện khắp nơi để hỏi xem "phải viết như thế nào?". Nghe tôi hỏi, một anh bạn làm ở báo kinh tế đã tâm sự: "Chúng ta học báo nhưng không học gì về kinh tế nên hầu như không hiểu gì để đánh giá về lĩnh vực này. Nhiều khi viết rất nhiều, nói rất nhiều như một người trong ngành nhưng thực tế chẳng có gì là của mình mà chỉ là nói lại những thông tin người trong ngành nói. Vì vậy em phải đi thật nhiều, hỏi thật nhiều thì mới có cái mà viết".
Bắt tay vào thực hiện tôi nghĩ mình đã có những điều kiện cần khá tốt như: Sự tự tin trong nghề, cách khai thác thông tin và thiết lập những mối quan hệ tốt ở cơ sở… Nhưng đến khi vào cuộc tôi lại bỡ ngỡ về từ ngữ chuyên môn. Mỗi lần vấp vào những từ ngữ, vấn đề khó hiểu nếu hỏi được tôi hỏi cơ sở ngay, hoặc là về nhà dở từ điển ra tra… Sau những lần như thế tôi thấy mình thực sự tự tin hơn và cảm thấy lĩnh vực này cũng thật thú vị. Sự trải nghiệm trong lĩnh vực kinh tế đã giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề. Tôi đã viết được những bài báo mà tôi cảm thấy hài lòng và được cơ sở ghi nhận. Qua những bài báo của mình tôi hiểu rằng, khi đưa tin về kinh tế, các nhà báo phải đưa ra những giải thích thông tin tới mọi người để công chúng có được những cách nhìn trung thực và nâng cao trách nhiệm đối với xã hội chứ không đơn thuần là chép lại những gì cơ sở cung cấp.
Thiết nghĩ, viết một bài báo hay đã khó. Viết được một bài báo hay trong lĩnh vực kinh tế - vốn khô khan và phức tạp chuyên sâu, lại càng khó hơn. Vì nó đòi hỏi nhà báo không chỉ có kiến thức hiểu biết về các chuyên ngành kinh tế, mà cần có nghệ thuật viết sao cho công chúng hiểu được, ứng dụng được.
Trên thực tế, đã có những tờ báo kinh tế, những nhà báo viết về kinh tế có đẳng cấp. Tuy vậy, cũng còn không ít những nhà báo viết về kinh tế nhưng không hiểu vấn đề kinh tế mà họ viết. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm viết về lĩnh vực kinh tế là rất cần thiết cho các nhà báo.
Bảo Yến