Thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Quang Hảo hồn nhiên, trong trẻo, ngộ nghĩnh và tươi tắn. Nếu không có sự đam mê, không có lòng yêu trẻ, không có sự tìm hiểu khám phá kỹ càng về tâm lý trẻ em, nếu không kiên tâm cần mẫn thì không thể thành công với thể loại viết cho thiếu nhi được.
Nguyễn Quang Hảo viết về dòng sông Vân: "Dòng sông Vân quê em/Vắt qua lòng thành phố/Nước mềm như dải lụa/Nối từ nguồn ra khơi.../Bóng cánh diều đang bay/Mặt trời trôi trong nắng/Thuyền như đi trong mây...". Bài thơ như một bức tranh thủy mặc vẽ dòng sông Vân mềm mại mộng mơ. Không phải chỉ có thế, sông Vân còn là: "Ơi dòng sông quê hương/Dòng sông xanh lịch sử/Ngàn năm mà vẫn trẻ/Soi mãi tuổi thơ mình..." (Dòng sông lịch sử).
Núi của quê hương vào thơ Nguyễn Quang Hảo thật sống động và có hồn. Mỗi quả núi nơi đây lại có một dáng hình, dáng vẻ khác nhau. Núi giống cái ấm, núi giống ông Bụt, núi mang hình cá voi... Lại có núi Cắm Gươm, núi Mã Yên..., để trong đôi mắt trẻ thơ, hình hài của núi thật thú vị và gợi trí tò mò, tưởng tượng của các em. Quang Hảo viết: "Núi đứng vịn núi ngồi/... Ngồi kề bên núi ấm/Là núi oản, núi xôi..." (Dáng núi cổ tích). Cùng các em về với động Người Xưa: "Cheo leo vượn hú đại ngàn/Căng mình mắc võng bầy đàn gọi nhau/Nắng chiều cửa động lao xao...".
Nhà thơ và các em cùng lắng nghe: "Tiếng người xưa tập nói câu vỡ lòng". Trước một con suối nhỏ nơi đầu nguồn của quê hương, nhà thơ chia sẻ với các em: "Rừng âm thầm vặn mình sinh thủy/Ngàn năm rồi chưa lỡ cạn biển khơi/Con suối nhỏ lon ton đứng đợi/Mong biển về chia sẻ đầy vơi..." (Suối nhỏ hồn nhiên)... Bất cứ một hình ảnh nào của quê hương Nguyễn Quang Hảo đã đưa vào thơ, thì ông đều muốn nói với các em về một điều gì, có lẽ điều ông muốn nói là tình yêu với quê hương, đất nước.
Mái ấm gia đình, nơi các em được sinh ra rồi lớn lên trong tình yêu thương của ông, bà, bố, mẹ, của anh em, cô, dì, chú, bác... Con là mùa xuân của mẹ. Mẹ đã dành tất cả những gì có thể cho con. Vì con, mẹ tảo tần thức khuya, dậy sớm. Mẹ dậy trước cả mặt trời để lo cái ăn, cái uống cho con đến trường. "Tiếng gà đánh thức mặt trời/Mặt trời đánh thức mọi người gần xa/Nhưng ai dậy trước gọi gà/Ngọn lửa của mẹ chắc là biết thôi" (Ngọn lửa của mẹ). Tình yêu của mẹ, trái tim của mẹ dành cho con thật bao la, rộng lớn. Nguyễn Quang Hảo viết: "Tình mẹ mênh mông biển rộng/Kết thành dòng sữa ngọt thơm/Cho con từng ngày khôn lớn/Mẹ là tất cả mùa xuân" (Nghĩ về mẹ).
Nguyễn Quang Hảo gọi gia đình là một "Cây Đời": "Bố là thân cây/Mẹ là nhành lá/Con là búp hoa/... Bố người lực sĩ/Trụ vững giữa đời/Ấm vòng tay mẹ/Gió về đưa nôi...". Cây đời có xanh cành, tốt lá, có đơm hoa, kết trái được hay không còn phải nhờ ở: "Bao điều vất vả/Lòng đất nông sâu/Chắt lọc mỡ mầu...". Muốn cho "Cây Đời" vững chắc sống mãi với thời gian, các em phải nhớ sống lương thiện, có lòng vị tha, bao dung, biết thương yêu đùm bọc nhau và đặc biệt phải biết kính trọng với ông bà, bố mẹ. Đó cũng chính là thông điệp tác giả gửi gắm vào trong những vần thơ.
Với việc "nhập vai" các em, Quang Hảo viết về ông bà, về thầy, cô giáo với tình cảm thiết tha, giàu nhân ái. Nguyễn Quang Hảo sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa khá thành công. Các con vật trở thành nhân vật trong thơ của ông đều được nhìn từ lăng kính tuổi thơ. Chúng hồn nhiên xuất hiện, chúng tham gia vào các câu chuyện kể rất tự nhiên. Ngay cả ở những bài thơ mang tính giáo dục các con vật cũng đã làm tròn vai trò nhẹ nhàng, tinh thế không hề khiên cưỡng. Đây là "Chuyện chú rùa": "Bốn chân làm bánh sắt/Hệt xe tăng vươn nòng/... Mỗi khi lặn dưới nước/Như tập trận thủy quân...". Bất ngờ và thú vị với bạn đọc lại nằm ở những vết ngang, vết dọc trên lưng chú rùa: "Có điều này bí mật/ Xin bạn biết vậy thôi/Rùa nhà toán học đấy/Dựng hình lên khắp người". Đúng là một cách quan sát và liên tưởng độc đáo. Tính lười nhác, hay ngủ và nhát gan là tính xấu đáng phải phê bình, biết vậy mà có một chú mèo mướp vẫn cứ suốt ngày ngủ khì, ngủ tới mức: "Chuột kéo tai/Vẫn ngáy khướt/Tính nhút nhát/Hay sợ chuột/Đêm đói meo/Gào đến khiếp" (Chú mướp).
Trăng trong thơ của Nguyễn Quang Hảo có gì đó rất riêng. Riêng đến mức ông gọi là "Trăng nhà mình". Trăng nhà mình thì ngoan ơi là ngoan: "Khi mọi người cùng về/Trăng lon ton chạy trước/Trăng nhà mình ngoan nhất/Không bao giờ chơi khuya". Lại còn có một ông trăng: "Thao thức suốt đêm/Thu hoạch mùa màng...". Vì vậy mới có những ngày đầu, cuối tháng ông trăng "Cong lên thành liềm". Cái liềm trăng ấy được nhà thơ ví "Như cánh diều bay..." cho đến: "Đêm rằm sáng tỏa/Vàng nong lúa đầy...". Đến đêm rằm các em hãy ngước lên bầu trời, trăng tròn vành vạnh, trăng như cái mâm vàng, đấy là màu vàng của lúa chín
Hết lòng vì trẻ thơ, nắm bắt được tâm lý của tuổi thơ, Nguyễn Quang Hảo khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ sáng tác cho các em những bài thơ, những câu chuyện bổ ích và lý thú. Ông là một trong những người gây dựng, phát triển sự nghiệp văn học thiếu nhi tỉnh nhà. Giờ đây Nguyễn Quang Hảo vẫn hàng ngày cần mẫn để: "Bốn mùa góp mật thả hương cho đời".
Ninh Đức Hậu