Tại đây ông từng đảm nhiệm nhiều chuyên mục: Tiểu phẩm, trang viết cho thiếu nhi, bình luận viên thể thao…, với các bút danh Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Anh Bồ Câu, Chu Đình Ngạn.
| Từ tác phẩm đầu tay đến nay Nguyễn Nhật Ánh (ảnh bên) đã xuất bản gần 100 tác phẩm và trở thành nhà văn được các bạn trẻ yêu thích nhất. |
Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được bạn đọc đặc biệt yêu thích như: Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thường được viết với một văn phong lãng mạn, nhẹ nhàng, hóm hỉnh và đậm chất hài hước. Nhân vật chính của hầu hết các truyện của ông là những cô nhóc, cậu nhóc ở tuổi mới lớn với những hành động tâm lý hết sức "đặc trưng". Cái tuổi mà người ta chưa đủ khôn để gọi là "người lớn" nhưng không còn quá ngây thơ để hoàn toàn gọi là trẻ con. Những nhân vật hay tò mò, thích sắp xếp mọi việc theo ý nghĩ ngẫu hứng của mình và đôi khi hay lý sự theo một cách vừa buồn cười, vừa đáng yêu.
Theo Nguyễn Nhật Ánh lý giải thì thế giới của trẻ con khác thế giới của lớn ở chỗ: "Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng… áo để mặc, ghế để ngồi và răng để nhai và lưỡi để nếm" (trích: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), trong khi trẻ con nhìn mọi vật "không quan tâm đến chức năng, đơn giản vì trẻ con có kho báu vô giá là óc tưởng tượng. Chiếc gối với người lớn là thứ để gối đầu nhưng đối với con Tý sún nghèo rớt mồng tơi thì đó là con búp bê hay khóc nhè mà nó phải ru mỗi ngày " (trích: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Chính vì phát hiện ra sự khác biệt trong "cách nhìn" về thế giới như vậy giữa trẻ con và người lớn nên nhưng truyện nhà văn này viết ra có một sức hấp dẫn đặc biệt.
Đối tượng mà nhà văn nhắm tới không chỉ là "trẻ em" mà nói ông viết cho những ai "đã từng là trẻ em". Nói khác đi, vấn đề mà Nguyễn Nhật Ánh viết ra không chỉ cho trẻ em phải thích thú mà khiến cả người lớn phải suy ngẫm. Trẻ em không chỉ là những người ở tuổi ô mai, tuổi trăng tròn, trăng náu mà đó chính là quá khứ, là ký ức của chính những người lớn.
Hiện nay nhiều người từng lo lắng về việc lấn lướt của văn hóa "đọc" trước văn hóa "nghe", "nhìn". Sự lo lắng ấy không phải không có cơ sở. Trong bối cảnh ấy, việc sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi khi ra đời trở thành "hiện tượng best seller" của ngành xuất bản thì quả là một điều đáng mừng.
Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra nhiều thứ tiếng (Thái Lan, Hàn Quốc). Sách của ông cũng được người Nga dịch và đưa vào dạy ở chương trình đại học. Giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 dành cho nhà văn chính là sự ghi nhận xứng đáng đối với ông.
Mai Phương