Điểm đáng chú ý là gần đây Nguyễn Khắc Thiệu lại thử bút ở một địa hạt hoàn toàn mới: thể loại truyện lịch sử. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thử bút ở thể lại này, tác giả đã cho ra đời tập truyện Viên Ngọc Khuyết (2010) với 12 truyện ngắn và phần tư liệu lịch sử về các di tích trên vùng đất cổ kinh thành Hoa Lư. Tập truyện này cũng nhanh chóng được tái bản chưa đầy 1 năm sau đó với tên gọi Hoàng đế cờ lau.
Việc tác giả Nguyễn Khắc Thiệu sau nhiều năm chung thủy với thơ, nay chuyển sang thể loại truyện lịch sử có lẽ đó là một hướng đi khả dĩ có những hứa hẹn. Bởi trước ông có nhiều tác giả đề cập đến vấn đề lịch sử kinh đô Hoa Lư song chủ yếu chọn hướng tiếp cận: nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu các tư liệu, có rất ít các tác giả chọn hướng sáng tác. Cũng cần phải nói thêm rằng trong sáng tạo nghệ thuật đôi khi việc lựa chọn cách thức tiếp cận nào đối với tư liệu là điều tối quan trọng, nó cho phép người nghệ sỹ có thể chủ động phát huy sở trường, hạn chế sở đoản của mình để mang lại những hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Bởi thế bản thân sự lựa chọn hướng sáng tác truyện lịch sử của Nguyễn Khắc Thiệu đã là một điểm mới. Trên thực tế, bạn đọc cũng đã rất hào hứng khi đón nhận tác phẩm.
Tập truyện Viên Ngọc Khuyết đã đem đến cho người đọc nhiều hiểu biết thú vị về các nhân vật lịch sử như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Phạm Bạch Hổ, Đinh Liễn, Phạm Văn Nghị…Các nhân vật văn học này đã cho người đọc một cách nhìn sinh động hơn hẳn lối tiếp cận thuần túy sử liệu trước đó từ phía các tác giả khác. Nhiều truyện ngắn như: Hoa sen khóm trúc, Hoàng đế cờ lau, Cơn lốc trước bình minh… cũng tạo được thiện cảm ít nhiều nơi bạn đọc bởi cách xây dựng nhân vật, miêu tả tâm trạng, tình huống truyện. Ngoài ra, việc Nguyễn Khắc Thiệu tham khảo khối tài liệu lịch sử đồ sộ trước khi chắp bút viết Viên Ngọc Khuyết chứng tỏ cách làm việc nghiêm túc và đầy nhiệt huyết của tác giả. Sau gần một năm khi Viên Ngọc Khuyết ra đời, ở lần tái bản, Nguyễn Khắc Thiệu đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều tư liệu tỏ rõ thái độ lao động cần mẫn nhưng khá cầu thị của tác giả. Điều đó cho thấy người viết vẫn không ngừng trăn trở với những khát vọng sáng tạo, khát khao hướng đến sự hoàn thiện. Bởi vậy, ở những lần tái bản tác giả đã bổ sung nhiều tư liệu cho tác phẩm ban đầu thêm đầy đặn. Tất nhiên trong nghệ thuật từ ý nguyện đến giá trị và đóng góp của sản phẩm thực tế cũng còn có những khoảng cách. Cho dù với tất cả những lý do trên thì nỗ lực của tác giả trong việc lựa chọn hướng đi riêng trong nghệ thuật là điều đáng ghi nhận.
Dù đạt được những giá trị nghệ thuật nhất định, song tác giả Nguyễn Khắc Thiệu khi chắp bút viết Hoàng đế cờ lau vẫn còn bị "ngợp" bởi quá nhiều cứ liệu, bởi vậy đôi chỗ tỏ ra lúng túng trong cách xử lý dẫn đến việc nhiều dữ liệu lịch sử bị trùng lặp một cách không cần thiết.
Trong nghề viết, việc đánh giá một tác phẩm bao giờ cũng là một việc làm khó khăn, nhất là việc đánh giá một tác phẩm văn học. Bởi thế những quan điểm nói trên về tập truyện dù sao cũng chỉ là một góc nhìn mang tính cá nhân của người viết. Để kiểm chứng giá trị nghệ thuật của Hoàng đế cờ lau cần có thêm thời gian và thẩm định từ phía công chúng.
Đức Bá