Vào những năm còn công tác, những sáng tác của anh đã được một số báo chí của Trung ương, địa phương đăng tải nhưng chưa nhiều. Nhưng chỉ tính những năm đầu của thập kỷ 90 trở lại đây, Nguyễn Hữu Văn đã cho "trình làng" 8 tác phẩm trong đó có: "cô gái xưa lại về" - tập truyện ngắn Hội VHNT Nam Hà xuất bản năm 1992, "Một thời sóng gió"- tiểu thuyết Hội VHNT Ninh Bình xuất bản năm 1996.
Trước đó anh đã cho xuất bản tập thơ "Bình dị" do Hội VHNT Nam Hà ấn hành và cũng vào năm 1996, tập thơ "Từ đất mẹ Hoa Lư" do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành ra mắt bạn đọc. Và cũng từ đây, ngoài việc viết truyện, làm thơ đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, anh tập trung vào những tác phẩm dài hơi, đạt được tầm vóc có giá trị hơn về nội dung, nghệ thuật.
Sau gần 10 năm miệt mài, chuyên tâm vào lao động sáng tạo, năm 2006 tập truyện "Nàng tiên thế kỷ" do Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản, tiếp đó năm 2010 nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho phát hành tiểu thuyết "Phương trời nhớ". Năm 2013, anh lại có bước đột phá mới, tiếp tục trình làng 2 tác phẩm mới "Tiếng chim từ Đông Bích"- tập thơ; "Từ sông Vân, núi Thúy"- tập tản văn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Những tác phẩm trên đã tạo được dấu ấn khá mạnh mẽ, nhận được sự phản hồi tích cực của độc giả.
Nguyễn Hữu Văn viết khỏe, cả viết văn làm thơ, nhưng mảng văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn, tiểu thuyết vẫn là điểm nhấn khẳng định được thế mạnh của anh trong lao động nghệ thuật. Văn phong, bút pháp của anh có những nét riêng được thể hiện khá thành công qua từng tác phẩm.
"Cô gái xưa lại về" gồm 5 truyện ngắn, mỗi chuyện là một mảnh đời, một số phận. Vào những năm tháng đất nước còn khó khăn, anh đã trải lòng khắc ghi những hình tượng mà đọc mỗi chuyện đều nhận được ở tác giả những gửi gắm đầy chất nhân văn.
Cái hiện thực của những năm tháng chiến tranh, của thời kỳ bao cấp với bao hy sinh thách thức nhưng từng nhân vật, từ cán bộ đến người dân bình thường đều rất gần với đời sống thường nhật, có sức lan tỏa và hấp dẫn người đọc. Phải chăng đây là nền tảng tạo đà cho những cảm xúc và bút lực của Nguyễn Hữu Văn có bước tiến vững chắc hơn.
Nếu "Cô gái xưa lại về" được bố cục mạch lạc, tinh tế phỏng theo lối kể chuyện dân gian, vừa dung dị, vừa mặn mà, đến "Nàng tiên thế kỷ" Nguyễn Hữu Văn đã có bước đổi mới tích cực hơn trong phát hiện, lựa chọn đề tài, bố cục câu chuyện hấp dẫn và lô gích hơn.
"Một thời sóng gió" viết về mối tình giữa Song Tùng, một con người tài hoa, có cốt cách, từ một phóng viên lên làm phó rồi làm tổng biên tập một tờ báo lớn có uy tín trong làng truyền thông với Thùy Anh, một cô gái quê nết na xinh đẹp, vừa tốt nghiệp cấp III lên thành phố tìm kế mưu sinh.
Họ gặp nhau rồi yêu nhau xuất phát từ sự đồng điệu về tâm hồn và niềm say mê văn học, Song Tùng là một nhân vật đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn, một người làm báo có bản lĩnh, tố chất, đã từng có thời gian bất chấp hiểm nguy vượt lên bom đạn, viết nhiều bài phóng sự chiến trường gây được những dấu ấn đặc biệt đối với bạn đọc gần xa. Anh giành cho Thùy Anh một tình yêu chân thành thủy chung, sẵn sàng tha thứ cho cô những lỗi lầm, kể cả những lỗi lầm về sự thủy chung của người con gái.
Thùy Anh cũng yêu Song Tùng tha thiết, sự kính phục và cả những mặc cảm về thân phận của mình trước một con người tài, đức toàn vẹn như anh. Mối tình của họ đầy sóng gió, nhưng sóng gió ấy lại không đến từ Song Tùng, một con người gần như là ưu thế tuyệt đối, mà lại đến từ người con gái anh yêu, tất nhiên có sự xuất hiện của người thứ ba là Khải.
Trong tiểu thuyết có nhiều tình tiết, có nhiều mô típ, đề tài song tất cả đều phục vụ cho câu chuyện chính, là dù phải vượt lên sóng gió, nếm đủ mọi mặn chát, đắng cay cuối cùng mối tình của Song Tùng- Thùy Anh cũng đến bến bờ hạnh phúc. Với "Một thời sóng gió", bằng một bút pháp vững vàng, Nguyễn Hữu Văn đã khéo giải quyết tốt những xung đột, mâu thuẫn, giải quyết câu chuyện có hậu, tất cả thích hợp được đặt trong bối cảnh lịch sử.
Cuốn tiểu thuyết này phần nào đã làm được điều đó thông qua sự miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật, sự diễn biến lô gích của câu chuyện. Đó là thành công đáng ghi nhận của tác giả.
ở "Phương trời nhớ" được anh khởi thảo từ năm 1998, từ nhà sáng tác Đại Lải và hoàn thiện tại Trại viết Đồng Mô do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức năm 2009. Không gian, thời gian và bối cảnh câu chuyện đều xoay quanh các trường trung cấp, Đại học và Viện khảo sát nơi anh công tác. ở đó bên cạnh những con người dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì nghĩa lớn thì vẫn còn không ít kẻ hẹp hòi, vị kỷ, thậm chí thoái hóa, biến chất gây ảnh hưởng tiêu cực đến chặng hành trình đi lên của đơn vị.
Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, giữa chính nghĩa và phi nghĩa đã luôn diễn ra song hành với sự vận động đi lên của cuộc sống…Để rồi cái lẽ phải, cái chính nghĩa vẫn thuộc về người tốt, về tập thể. Và cũng như nhiều tác phẩm văn học khác của anh, trong "Phương trời nhớ" Nguyễn Hữu Văn vẫn đặc biệt chú trọng đến tình yêu, với nhiều mối tình không ít thách thức, trăn trở nhưng cuối cùng vẫn cho hoa đẹp, trái lành. Chân, Thiện, Mĩ vốn là cái đích cuối cùng của tác giả và anh đã thành công.
Bối cảnh của tiểu thuyết trải dài suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, từ năm 1960 đến năm 1975. Nhiều câu chuyện, mảng lớp đan xen, nhiều gương mặt thánh thiện, đáng yêu như Huy, Ban, Tế, Phú, Hóa…ông Viện trưởng Hoàng Tiến và cả những vị lãnh đạo như ông Thứ trưởng luôn quan tâm đến cơ sở, đồng chí, anh em. Họ là những con người luôn biết dấn thân, làm việc hết mình vì tương lai đất nước, vì "sự nghiệp trồng người" để đào tạo những tri thức, nhân tài cho tương lai.
Đối mặt với những lớp người mà phẩm chất và cuộc đời họ thật đáng trân trọng, ngợi ca là những con người luôn đặt cái "tôi" lên trên, sống thủ đoạn, vị kỷ rất đáng phê phán như tiến sỹ Hải, ông hiệu trưởng trường Đại học, ông Trưởng phòng giáo vụ Hoàng Toại…
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là chuỗi những mối quan hệ nhiều chiều, đa diện đan xen giữa cái tốt, cái xấu, cái lạc hậu và cái tân tiến…Nhưng với một thủ pháp đã được trải nghiệm, với vốn sống, vốn tri thức phong phú đã giúp anh giải quyết thỏa đáng mọi mâu thuẫn để có một kết thúc có hậu.
Cái chân thiện, cái tốt, cái đúng đã thắng, để những con người chính nghĩa ở đây tiếp tục vượt lên hoàn thành sứ mệnh "trồng người", một nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Bác Hồ đã giao cho họ.
"Tiếng chim từ Đông Bích" với trên 100 bài thơ, được viết từ hàng chục năm trở lại đây với nhiều trải nghiệm và cả những cung bậc cảm xúc trước dải đất Cố đô tươi đẹp và anh hùng, người và đất Ninh Bình như hóa thân vào từng thi phẩm, có cả buồn vui và những phút thăng hoa, tạo cho Nguyễn Hữu Văn có thêm những dấu ấn mới trên con đường lao động nghệ thuật, đặc biệt là trên địa hạt thơ, vốn được xem là tay trái của anh.
Nét mới trong "Tiếng chim từ Đông Bích" là anh đã viết đằm hơn, không còn nhàn nhạt, xáo mòn. Anh đã khá tinh tế trong sử dụng cú pháp, ngôn từ, hình ảnh đã giàu giai điệu, tiết tấu hơn. Tình yêu quê hương, cuộc sống, con người trong thơ Nguyễn Hữu Văn như được viết ra từ gan ruột, giàu cảm xúc và sức lan tỏa cũng mạnh mẽ hơn.
Đến tập "Từ sông Vân, núi Thúy", mà anh gọi là tản mạn văn chương, với 57 bài viết, phần lớn được anh giành giới thiệu những cây bút, những văn nghệ sỹ bạn bè cả trong và ngoài tỉnh, tác giả tác phẩm với tất cả sự trân trọng, đề cao những giá trị mà các tác giả đem lại cho đời sống văn học. Giọng văn của anh dung dị, đằm thắm, có những phát hiện tinh tế, không nặng nề về lý luận, phê bình, đem đến cho bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc với những dấu ấn khó quên.
Vào năm Giáp Ngọ này, Nguyễn Hữu Văn đã vào tuổi 75 nhưng hơn hai thập kỷ qua, hiệu quả lao động nghệ thuật của anh thật đáng nể vì không ai hình dung nổi một con người bệnh tật đầy mình, gia cảnh khó khăn lại lần lượt cho ra đời 3 tập thơ, 2 tập truyện, 01 tập tản văn và những cuốn tiểu thuyết dài hơi được dư luận văn học đánh giá cao. Anh là một trong số không nhiều hội viên Hội VHNT Ninh Bình 3 lần được tặng giải thưởng văn học Trương Hán Siêu.
Lê Liêu