Với cá nhân Nguyễn Đình Cương mà nói chắc chắn không tránh khỏi nỗi buồn. Tuy nhiên, công bằng mà xét Nguyễn Đình Cương có thể nói đã chia tay SEAGames 26 trong thanh thản bởi những gì anh đã cống hiến cho Quốc gia.
Nhìn lại SEAGames 26, Dương Văn Thái bất thần tăng tốc băng về đích giành huy chương vàng ở nội dung 800m nam, trong niềm vui của anh và đoàn điền kinh Việt Nam khi giành thêm 1 huy chương vàng, chính vận động viên Dương Văn Thái đã phát biểu đại ý, anh đạt được huy chương có sự góp công quan trọng của Nguyễn Đình Cương. Bởi trong đường chạy ấy, Nguyễn Đình Cương xác định nếu anh cố gắng thì có thể giành huy chương đồng. Tuy nhiên sẽ khó khăn cho Dương Văn Thái khi bị cạnh tranh, bởi vậy để gây sự chú ý và đánh lạc hướng đối thủ, Nguyễn Đình Cương với tư cách là đương kim vô địch SEAGames 25 sẽ đóng vai trò "chim mồi" phân tán sự chú ý của đối thủ chính vì quá chú ý đến Đình Cương mà các vận động viên đội bạn đã lơ là không chú ý đến Dương Văn Thái, giúp cho Dương Văn Thái bất ngờ vượt lên về đích.
Điểm cốt yếu là ở chỗ dù biết vẫn có khả năng giành huy chương, song vì vinh quang của Tổ quốc Nguyễn Đình Cương đã chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân. Hành động đó thể hiện tinh thần đồng đội, tính chất cao thượng trong thể thao. Cho nên dù Nguyễn Đình Cương không trực tiếp dành huy chương vàng SEAGames 26 thì trong lòng người hâm mộ thể thao cả nước Nguyễn Đình Cương xứng đáng được nhận tấm "huy chương vàng" cho lòng cao thượng. Cùng với Nguyễn Thị Phương bị ngã nhưng đã nỗ lực "bò" về đích (huy chương bạc ở nội dung 3.000m nữ vượt chướng ngại vật); Dương Thị Việt Anh bị trẹo cổ chân vẫn nhảy qua mức xà 1m90 (huy chương vàng, môn nhảy cao nữ), Nguyễn Đình Cương đã để lại SEAGames 26 những hình ảnh đẹp.
Bởi vậy khi SEAGames 26 đã khép lại, dù thành tích của Nguyễn Đình Cương không cao, vận động viên Ninh Bình này vẫn có thể tự hào và thanh thản chia tay với sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Với một vận động viên thể thao chân chính có sự kết thúc nào vinh quang hơn thế!
Mai Phương