Đến nhà vận động viên điền kinh Nguyễn Đình Cương vào một ngày sau khi anh lên đường sang Bắc Kinh tham dự Olympic lần thứ 29, tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Đình Biên (anh trai cả của Cương) vui vẻ cho biết: Cương vừa điện về thông báo cho gia đình tình hình sức khỏe của mình cũng như các vận động viên trong đoàn đều rất tốt, phong độ đang lên cao, tích cực rèn luyện để thi đấu. Cương còn cho biết chỗ ăn, ngủ, nghỉ đều rất thuận tiện và an toàn...,gia đình tôi rất yên tâm. Mấy hôm trước, khi em nó điện thoại về cho biết mình là người vinh dự được trao trọng trách cầm cờ tổ quốc của đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc, cả nhà tôi rất vui. Vui nhất là mẹ tôi, gặp ai bà cũng khoe về Cương mặc dù ở cái làng Trinh Nữ (Yên Hòa - Yên Mô) này không mấy ai biết đến thế vận hội Olympic...
Nguyễn Đình Cương đến với môn điền kinh thật tình cờ. Theo như lời anh Biên kể: Nhà nghèo nên trong 5 anh em thì chỉ có Cương và tôi được học hết THPT. Cương rất vui tính, ngoan hiền và ham học. Tài năng điền kinh của Cương chỉ được bộc lộ khi em học lớp 10 - trường THPT Yên Mô A. Lúc đó, hàng ngày vào các buổi sáng sớm, Cương thường mải miết tập chạy trên đường làng.
Chú Vũ Khắc Huân (cán bộ phòng văn hóa thể thao huyện Yên Mô) là chú họ, nhà ở đối diện với nhà tôi thấy Cương đam mê môn thể thao này nên đã giới thiệu em đi thi đấu tại Hội thao quần chúng của huyện năm đó. Không phụ sự kỳ vọng của chú, ngay trong Hội thao ấy, Cương đã đạt giải nhất về môn chạy dài. Và cũng từ đây, em luôn là hạt nhân của trường tại các giải đấu thể thao của huyện, của tỉnh.
Rồi Cương đã được Sở Thể dục - thể thao lựa chọn cho đi đào tạo tại Đà Nẵng. Cương luôn đạt được nhiều thành tích cao trong các giải điền kinh của Việt Nam và khu vực. Là con út, vốn được cưng chiều từ nhỏ nhưng không vì thế Cương sống trông chờ, ỉ lại mà luôn sống luôn tự lập, ngăn nắp và kỷ luật, được bạn bè, thầy cô cùng mọi người tin yêu, quý mến.
Nắng gió trên đường đua, bãi tập đã làm cho Cương gầy và đen đi nhiều, thấy vậy mẹ tôi cứ dơm dớm nước mắt nhưng vẫn không quên nhắc nhở, động viên cậu út gắng tập luyện giành thành tích cao hơn nữa để không phụ lòng gia đình và những người hâm mộ. Dù có đau yếu do tuổi cao bệnh tật mẹ tôi cũng không hề cho Cương hay biết, sợ ảnh hưởng đến tinh thần tập luyện của con mình.
Mỗi khi Cương về thăm nhà, nhiều người nhắc đến chuyện lập gia đình, Cương tủm tỉm và nói: còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt được đỉnh cao mong muốn rồi mới tính chuyện riêng tư. Có lẽ với Cương, điền kinh không chỉ là năng khiếu thiên bẩm mà còn là một niềm đam mê mãnh liệt.
Đối với nhiều người hâm mộ môn điền kinh vẫn không thể quên hình ảnh một Nguyễn Đình Cương bền bỉ, dẻo dai trong tập luyện cũng như trong các giải thi đấu, đặc biệt là tại Sea Game 24. Lúc đó, nhìn những bước chân thoăn thoắt, dũng mãnh của Nguyễn Đình Cương trên đường đua, không ai biết được rằng anh đang bị căng cơ - một chấn thương nặng sau khi đoạt huy chương vàng ở cự ly 800m. Song với tinh thần quyết tâm cao vì màu cờ sắc áo của tổ quốc, Nguyễn Đình Cương đã chiến thắng nỗi đau của chấn thương, giành huy chương vàng thứ 2 và phá kỷ lục Sea Game suốt 14 năm trước đó. Nguyễn Đình Cương đã thể hiện một tinh thần thi đấu kiên cường, trung thực, một ý chí tiến công mạnh mẽ vì nền thể thao điền kinh nước nhà. Chính vì vậy mà anh được lựa chọn là tuyển thủ cầm cờ tổ quốc tại Olympic lần này.
Đến nhà vận động viên Nguyễn Đình Cương, trên khắp các bức tường là những chiếc huy chương các loại cùng nhiều Bằng khen mà anh đã đạt được tại các giải thi đấu trong và ngoài nước. Song ít ai biết được đằng sau những vinh quang ấy là cả một nỗ lực lớn và ý chí vươn lên không ngừng.
Năm 1982 Cương chào đời cũng là lúc người cha của anh ra đi mãi mãi sau một cơn bệnh. Lớn lên thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của cha và kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng Cương đã luôn nỗ lực vượt khó, phấn đấu học tập và rèn luyện để trưởng thành.
Mỗi lần có dịp về thăm nhà (thường thời gian rất ngắn), Cương đều tranh thủ giúp đỡ, động viên mẹ. Đồng thời Cương còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật chạy cho cô cháu Nguyễn Thị Thủy (con gái của anh Biên) hiện cũng đang là một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc của tỉnh.
Ở quê nhà, Cương luôn nhận được sự quan tâm, động viên của người thân, gia đình, bạn bè và những người hâm mộ. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cổ vũ cho anh trên những chặng đường đua đã qua và sắp tới.
Hi vọng Olympic 2008 này anh sẽ giành được những thành tích cao hơn để cái tên Nguyễn Đình Cương - "con sóc vàng" Việt Nam một lần nữa vang lên trên đấu trường quốc tế.
Đức Nghĩa