Trước đây, để tham gia được vào các thị trường lao động tiềm năng, có việc làm ổn định và thu nhập cao, người lao động sẽ phải mất chi phí hàng trăm triệu đồng, trong khi đó, những đối tượng thuộc diện vay vốn trong chính sách vay vốn của Chính phủ ưu tiên như: lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng… chỉ được mức vay 50 triệu đồng, đối với mức vay trên 50 triệu đồng thì phải có tài sản bảo đảm.
Bởi vậy, ngay khi được ban hành, Đề án số 12 của tỉnh về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) giai đoạn 2018-2020 đã được coi là cú "hích" mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong XKLĐ. Bởi lẽ, Đề án đã ban hành một số chính sách góp phần tháo gỡ cho tình trạng thiếu vốn khi tham gia vào các thị trường lao động lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Theo Đề án này, những lao động thuộc diện được vay ưu đãi được tạo điều kiện để vay thêm từ nguồn vốn của Đề án để đi xuất khẩu trong trường hợp không đủ tài sản đảm bảo để vay mức vay trên 50 triệu đồng. Như vậy, tùy nhu cầu của từng lao động, song mức vay tối đa lên tới 100 triệu đồng, với mức vay này người lao động hoàn toàn có thể tham gia vào các thị trường thu nhập cao.
Mặt khác, cũng theo Đề án, đối tượng được vay ưu đãi cũng được mở rộng hơn. Theo đó, ngoài những lao động thuộc diện chính sách, những lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh cũng sẽ được vay vốn ưu đãi.
Bà Bùi Thị Thúy, ở xã Yên Quang (huyện Nho Quan) là một trong những hộ gia đình mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để cho con trai đi làm việc có thời hạn ở tại Nhật Bản. Vợ chồng bà Thúy đều làm nông nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn. Huy là con trai duy nhất trong gia đình. Sau khi học xong cấp ba, Huy đã đi làm ở nhiều nơi nhưng đều không ổn định.
"Gia đình quyết định cho cháu đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản với nghề xây dựng. Để tham gia được vào đơn hàng này, cháu đã vượt qua các vòng thi tay nghề, thi tiếng. Gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đủ kinh phí cho cháu đi xuất khẩu. Mọi thủ tục để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi đều được hướng dẫn thực hiện rất nhanh gọn"- bà Thúy cho biết.
Mặc dù chặng đường XKLĐ của con trai mới chỉ bắt đầu, song gia đình bà Thúy đều hi vọng rằng, với công việc ổn định ở một thị trường lao động tốt như Nhật Bản, con trai mình sẽ tích lũy được vốn, kinh nghiệm, kỹ năng, để sau này về nước có thể lập nghiệp và xây dựng một cuộc sống ổn định
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Để chính sách ưu đãi tín dụng trong XKLĐ nhanh chóng phát huy hiệu quả, thực sự trở thành "chìa khóa" trong phát triển kinh tế cho người lao động, ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án XKLĐ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Đề án số 12.
Trong đó hướng dẫn cụ thể đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, định kỳ trả nợ, bảo đảm tiền vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, hồ sơ thủ tục cho vay, việc thu nợ, xử lý nợ rủi ro…
Những thủ tục người lao động phải thực hiện để tiếp cận được với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã được tinh gọn, đảm bảo bất kỳ người lao động có nhu cầu vay vốn đều được hướng dẫn, tư vấn cụ thể.
Trong 3 năm qua (2018-2020), Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 102 lao động được vay vốn đi xuất khẩu với tổng số tiền cho vay trên 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế.
Nguyên nhân khách quan, là do từ đầu năm 2020 tới nay, công tác XKLĐ gần như bị… đóng băng do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và một số nước vốn là thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu của lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân chủ yếu khác khiến chưa có nhiều người lao động vay vốn ưu đãi để đi xuất khẩu là bởi hiện nay, còn nhiều lao động đi xuất khẩu vẫn qua đường "tiểu ngạch", nghĩa là đi bằng các kênh do bạn bè, người quen giới thiệu chứ chưa đi qua các công ty làm về XKLĐ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội giới thiệu.
Trong khi đó, theo quy định, mọi doanh nghiệp XKLĐ đều có cơ hội bình đẳng trong việc tuyển dụng lao động đi xuất khẩu, song phải được Sở Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định, cấp phép. Có như vậy, người lao động mới được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng của Đề án 12.
Điển hình như xã Lạc Vân (huyện Nho Quan), vốn là một trong những đơn vị làm tốt công tác XKLĐ. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, xong toàn xã vẫn có 14 người đi XKLĐ. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hòa, cán bộ lao động xã Lạc Vân: trong số những lao động đi xuất khẩu, không có lao động nào vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách. Nguyên nhân là do chủ yếu các lao động đi xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch.
Thời gian tới, để tín dụng thực sự trở thành "lực đẩy" giúp người lao động tận dụng cơ hội đi XKLĐ để cải thiện cuộc sống, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp tục vào cuộc, lồng ghép vào các hội nghị tuyên truyền của ngành chức năng, phổ biến tận người dân những thông tin mới về nguồn vốn vay XKLĐ.
Đào Hằng - Minh Quang