Xã Phú Long và xã Kỳ Phú hầu như không có nguồn nước mặt nên trước đây đa số người dân sử dụng nước mưa và các nguồn nước dưới đất bằng giếng nông, nước từ các khe suối để sinh hoạt và sản xuất. Nhưng nguồn nước này không ổn định, về mùa khô hay xảy ra tình trạng cạn kiệt, giếng và suối không có nước. Với nỗ lực nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, những năm gần đây, một số cụm dân cư của hai xã đã được cấp nước hợp vệ sinh thông qua các dự án theo Chương trình 134, 135 và chương trình cấp nước sạch của UBND tỉnh Ninh Bình.
Đến nay, có 25-30% người dân của hai xã đã được sử dụng nước sạch từ dự án. Tuy nhiên, một số cụm dân cư như thôn 4, thôn 9 của xã Phú Long, bản Tân Phú của xã Kỳ Phú do phân bố xa nguồn nước mặt và ở địa hình cao nên không được tiếp cận và hưởng lợi từ dự án, vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô.
Trước những khó khăn và nhu cầu cấp thiết của người dân được sử dụng nguồn nước sạch tại các khu dân cư trên, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Nho Quan, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình cấp nước hợp vệ sinh bằng nguồn nước dưới đất cho các cụm dân cư nghèo thuộc các xã vùng cao Phú Long, Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình". Dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2010-2015 và được triển khai từ cuối năm 2013 đến năm 2015.
Đến nay, dự án đã triển khai thành công và đáp ứng được mong đợi bấy lâu nay của nhân dân các cụm dân cư nghèo gặp khó khăn về nguồn nước ở hai xã.
Bà Trần Thị Lý, trưởng thôn 4, xã Phú Long cho biết: Người dân trong thôn rất khó khăn tìm kiếm nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Về mùa mưa có thể tận dụng nước ở các khe suối, nước giếng đào, nhưng đến mùa khô không lấy đâu ra nước để sinh hoạt. Có hộ phải đi xin và gánh nước ở xa, nhưng địa hình ở đây là đồi núi, các hộ dân cư xa nhau nên việc vận chuyển nước từ nơi khác về sinh hoạt không dễ thực hiện.
Vừa qua thôn 4 được chọn tham gia dự án cấp nước, người dân đã được tiếp cận với nguồn nước sạch là nước ngầm đảm bảo vệ sinh. Từ khi triển khai dự án, nhân dân trong thôn rất ủng hộ, tích cực góp ngày công và bỏ tiền lắp công tơ, đường ống vào nhà.
Do đó, dự án triển khai rất thuận lợi và được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian lắp đặt đường ống dẫn nước cho các hộ dân đúng vào thời điểm khô hạn nhất trong năm nay, khi đường ống lắp đến đâu, dự án cấp nước luôn đến đó nên niềm vui của nhân dân được nhân lên gấp bội. Chỉ sau 4 ngày triển khai lắp đặt ống dẫn, đồng hồ nước gần như 100% hộ dân đăng ký đã có nước.
Hiện nay toàn thôn có 142 hộ đã được sử dụng nước sạch, còn lại là các hộ đã tách hộ nhưng vẫn dùng chung hoặc hộ đi làm xa không có ai ở nhà thì chưa đấu nối, lắp đặt.
Sau một thời gian sử dụng, nguồn nước do dự án cung cấp đảm bảo sạch, trong và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong thôn.
Tuy nhiên, nhân dân mong muốn dự án nâng công suất máy bơm lên vì lượng nước bây giờ mới chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như ăn uống, tắm vệ sinh, còn giặt giũ và các nhu cầu khác chưa đủ.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Triển khai công nghệ khoáng chất thuộc Trường Đại học Mỏ địa chất, cơ quan chuyển giao công nghệ của dự án cho biết: Vì đây là những vùng cực kỳ khan hiếm nước nên tìm được nguồn nước ngầm cũng rất khó khăn.
Chúng tôi đã phải nằm vùng 6-7 tháng, tiến hành công tác khoan thăm dò, kết hợp với các thí nghiệm thủy văn đánh giá lưu lượng và chất lượng nước, đánh giá khả năng khai thác sử dụng lâu dài mới tìm ra nguồn nước phục vụ dự án.
Đơn vị đã tìm được 9 điểm dị thường địa vật lý có khả năng có nước và khoan được 4 hố khoan thăm dò, trong đó 3 hố khoan có lưu lượng nước tốt có thể khoan cấp nước đáp ứng nhu cầu cấp nước cho hai mô hình dự án trên địa bàn thôn 4, thôn 9 xã Phú Long và thôn Tân Phú, xã Kỳ Phú.
Tuy nhiên, trữ lượng nước ở các lỗ khoan này đều có giới hạn và không thay đổi, ví dụ như lỗ khoan lắp đặt máy bơm cho thôn 4 và thôn 9 xã Phú Long có độ sâu 100m và lưu lượng nước chỉ đạt 432m2/ngày, đêm.
Dự án đã tính toán lắp đặt máy bơm có công suất hợp lý để vừa đảm bảo khai thác tối đa lượng nước và tiết kiệm điện năng. Do trữ lượng nước không tăng nên nếu đặt máy bơm công suất lớn sẽ xảy ra hiện tượng chạy không tải và cháy máy.
Như vậy, đơn vị tư vấn cũng khuyến cáo bà con nhân dân phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm, đảm bảo cấp nước đều đến tất cả các hộ.
Theo ông Trần Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, Trưởng Ban quản lý Dự án: Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, thời gian và mục tiêu đã đề ra. Kết quả quan trọng nhất của dự án là đã tiến hành thăm dò và tìm ra các điểm nước ngầm có trữ lượng nước ổn định có thể khoan lấy nước phục vụ nhân dân vùng cao khi có nhu cầu.
Dự án đã tiến hành xây dựng hai mô hình cấp nước tại hai hố khoan có trữ lượng nước tốt cung cấp nước sạch cho dân tham gia dự án.
Mỗi mô hình đều được đầu tư máy bơm, xây bể chứa, hệ thống lọc và đường dẫn nước ở các trục chính và được vận hành theo quy trình: nước từ giếng khoan, qua máy bơm chìm trục đứng, theo đường ống chảy vào bể, tiếp tục qua bể xử lý cationit, sau đó chảy vào bể chứa; nước từ bể chứa đặt trên cao sẽ tự chảy vào hệ thống đường ống đến các hộ dân.
Nước ngầm được lấy từ giếng khoan hai mô hình xã Phú Long và xã Kỳ Phú đều có độ cứng cao (nước chứa carbonat), vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, sau khi bơm lên đã được xử lý bằng công nghệ trao đổi cation và nước sau khi xử lý đều đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt.
Để mô hình cấp nước đi vào hoạt động hiệu quả, Dự án đã tiến hành thành lập hai Tổ hợp tác cung cấp nước sinh hoạt do cán bộ và nhân dân trong thôn quản lý. Thành viên tổ hợp tác đều được tham gia đào tạo quy trình, kỹ thuật vận hành, các biện pháp xử lý nước cứng bằng phương pháp trao đổi ion, biện pháp xử lý sự cố…
Hiện nay, xã Phú Long và Kỳ Phú vẫn là xã nghèo và khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, do đó để mô hình cấp nước hoạt động hiệu quả, địa phương cần quan tâm hơn nữa về chi phí hoạt động, công cho người vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng máy móc…
Việc thực hiện thành công dự án có ý nghĩa rất lớn, mang lại nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt cho các cụm dân cư nghèo rất khó khăn về nguồn nước. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành nếp sống văn minh cho nhân dân trong khu vực thực hiện dự án.
Với những kết quả mà dự án mang lại, mong rằng trong thời gian tới các cấp, các ngành, đơn vị quan tâm nhân rộng mô hình dự án cấp nước cho các địa phương gặp khó khăn về nguồn nước trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan.
Bài, ảnh: Hồng Giang