Suốt 43 năm qua, bác Nguyễn Thị Dệt, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Bích ở xã Gia Thủy (Nho Quan) vẫn lặng lẽ chăm sóc cho đứa con tật nguyền. Và trong sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ ấy vẫn mãi khắc khoải nỗi đau khi nghĩ về người chồng liệt sỹ đã hy sinh chưa tìm được hài cốt.
Năm 1969 cô gái thôn quê Nguyễn Thị Dệt kết hôn cùng người chồng là Nguyễn Văn Bích. Cưới nhau chưa được bao lâu thì mùa xuân năm 1970, bác trai lên đường nhập ngũ. May mắn là khoảng thời gian ngắn ngủi ở bên nhau hai bác đã kịp có với nhau một đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Văn Sơn.
Cậu bé sinh ra bụ bẫm dễ thương như bao trẻ nhỏ bình thường khác, không hề có dấu hiệu bệnh tật hiểm nghèo. Nhưng đến tuổi chập chững tập đi, chân tay Sơn bỗng nhiên lở loét, rồi trở nên sần sùi như da cóc. Cả gia đình lo lắng đưa Sơn đi chữa trị khắp nơi, bao tiền của đều thành vô nghĩa khi bác sỹ kết luận: Nguyễn Văn Sơn bị mắc bệnh "Viêm tắc tĩnh mạch tứ chi", chân tay không thể trở lại bình thường được nữa. Nỗi đau ập xuống gia đình nhỏ. Nhìn đứa con thơ héo hon, thân mang trọng bệnh người mẹ trẻ đau đớn, xót xa. Sơn "lớn lên" trong tiếng khóc đau thương của mẹ nhiều hơn tiếng hát ru à ơi.
Sự đời lắm nỗi éo le , trong lúc con thơ đau ốm, bác Dệt nhận được tin dữ: Bác trai đã hy sinh trong một trận đánh lớn tại mặt trận phía Nam (1972).
Nhưng rồi nén lại nỗi đau mất chồng, người mẹ trẻ dành hết yêu thương để chăm sóc đứa con thơ dại, bệnh tật, với hy vọng mong manh: Gặp thầy gặp thuốc Sơn sẽ khỏi bệnh. Nghe ai giới thiệu ở đâu có thể chữa khỏi bệnh bác Dệt đều đưa con đến, 40 năm, đến không biết bao nhiêu bệnh viện, gặp không biết bao nhiêu thầy thuốc, tây y rồi đông y vẫn không có kết quả. Cuối cùng bác Dệt đành phải thất vọng đưa con về lại ngôi nhà trống huơ, trống hoác.
Tiền thuốc thang cho anh Sơn khiến gia đình kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần. Khoản tiền trợ cấp từ chế độ liệt sỹ của người chồng, người cha đã hy sinh không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cùng với thời gian, bệnh tật của anh Sơn càng thêm trầm trọng, chân tay co quắp, sần sùi, lở loét, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Khiếm khuyết cơ thể càng làm cho anh đau đớn, tủi thân hơn gấp bội khi tuổi tác tăng dần. Thương mẹ vất vả cơ hàn, tóc bạc sớm vì đồng tiền, bát gạo, chi phí thuốc men, Sơn mơ ước một ngày nào đó anh bình thường trở lại để có thể đỡ đần mẹ dù chỉ là việc nhỏ trong nhà. Nghĩ là làm, anh cố gắng dùng đôi bàn tay không còn lành lặn của mình làm những việc đơn giản cho bản thân mà không cần nhờ nhiều đến mẹ. Anh mày mò tự học sửa chữa đồ điện gia dụng, ban đầu chỉ là những đồ vật đơn giản trong nhà. Khi đã biết việc, anh nhận đồ về sửa cho bà con chòm xóm mà không lấy tiền công.
"Đưa con đi khắp nơi chữa bệnh, lạ nước lạ cái, bị người ta lừa. Rồi có năm đang nhập viện tận trên Hà Nội thì ở quê có lũ lớn, toàn bộ ba sào lúa đang độ thu hoạch chưa kịp gặt ngập chìm trong biển nước. Nhà cửa, đồ đạc đổ nát, mỗi thứ một nơi. Khổ cực trăm bề"- bác Dệt tâm sự.
Giờ tuổi cao, sức yếu, Bác Dệt vẫn phải ngày ngày chăm bẵm từng thìa cháo, miếng cơm cho cậu con trai yêu dấu. Khó khăn vẫn luôn nối tiếp nhưng người vợ liệt sỹ ấy vẫn nỗ lực vượt qua, coi đó như một cách để gửi yêu thương cho người chồng đã hy sinh.
Bài, ảnh: Hải Yến